03/05/2009 - 10:03

Nỗi đau thầm lặng ở Iraq

Hussein (phải) cùng một số bạn đồng trang lứa đang được điều trị tại Thủ đô Amman, Jordanie.
Ảnh: Natalina Antelava

Chỉ mới 6 tuổi nhưng Hussein trông không khác gì cụ già. Bé cử động môi một cách chậm chạp do vùng da quanh miệng chằng chịt các vết sẹo đơ cứng trong khi cặp mắt bị băng kín mít. Thế nhưng giọng nói phát ra từ khuôn mặt biến dạng ấy nghe rất tươi vui và vang vọng cả căn phòng trong bệnh viện ở Amman, thủ đô của Jordanie. “Rồi con sẽ trở về Iraq, con rất nhớ cha”, Hussein hồi hởi nói.

Năm 2003 - lúc ấy Hussein chỉ mới 11 tháng tuổi, bé được bà ngoại bồng ra một khu chợ ở Thủ đô Baghdad cách nhà không xa lắm. Hôm đó, khu chợ bị bom xe đánh tan nát, nhiều giờ sau người ta tìm thấy Hussein nằm cạnh xác bà ngoại trong tình trạng thương tích trầm trọng. Sau nhiều ca phẫu thuật bất thành, gia đình buồn bã khi biết rằng suốt đời bé sẽ mang hình hài biến dạng như thế. Thế nhưng vài tháng trước, có người mách bảo ở nước láng giềng Jordanie có một bệnh viện từ thiện có thể giúp phục hồi vết thương trên đầu bé.

Và chỉ đến khi Hussein lên bàn mổ, các bác sĩ ở Jordanie mới phát hiện có điều gì nữa không ổn - do da mặt bị kéo căng quá mức nên bé không thể nhắm mắt lại. “Tình trạng này rất nguy hiểm và có thể khiến em bị mù lòa. Vì thế, chúng tôi quyết định phẫu thuật cặp mắt trước”, bác sĩ điều trị cho Hussein, cho biết. Bác sĩ Nagham Hussein, cũng là người Iraq, cho biết bà không lấy làm ngạc nhiên tại sao Hussein trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng không một ai ở Baghdad để ý tới tình trạng mãn tính nghiêm trọng của bé. “Các bác sĩ ở Iraq luôn tất bật cứu mạng người. Dạng phẫu thuật chỉnh hình cho Hussein thuộc hàng xa xỉ”, Nagham nói.

Ước tính, hàng chục (có thể là hàng trăm) nghìn người đã thiệt mạng trong những năm tháng Iraq chìm trong chiến tranh và xung đột, và không biết bao nhiều người đã bị thương. Những vết thương do bom đạn thường dai dẳng và đòi hỏi phải phẫu thuật đi phẫu thuật lại nhiều lần. Nhưng hệ thống y tế ở Iraq chưa đủ khả năng làm điều đó. Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 400 bác sĩ chuyên khoa Iraq đã rời bỏ quê hương từ khi chiến sự nổ ra hồi năm 2003 trong khi hàng trăm thầy thuốc khác đã nằm xuống. Các bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và an ninh thì không được đảm bảo.

Từ năm 2006, với sự tài trợ của tổ chức Bác sĩ không biên giới và Trăng lưỡi liềm đỏ Jordanie, một nhóm chuyên gia phẫu thuật Iraq tại Amman đã khởi xướng chương trình phẫu thuật chỉnh hình nhằm tiếp bước phần việc dang dở của các đồng nghiệp ở quê nhà. “Các đồng nghiệp ở Iraq là những người hùng thật sự, chúng tôi chỉ giúp họ hoàn tất công việc”, bác sĩ phẫu thuật chính của chương trình cho biết. Vị thầy thuốc này không muốn nêu danh tính vì lo sợ dù làm việc thiện nguyện nhưng có sự trợ giúp của tổ chức phương Tây có thể khiến người thân của mình ở Iraq gặp nguy hiểm. Chính vì lo ngại an ninh nên chương trình không mở văn phòng đại diện ở Iraq mà nhờ các đồng nghiệp ở quê nhà chuyển bệnh nhân sang.

Hơn 2 năm qua, có cả thảy 660 người Iraq được đưa sang Jordanie điều trị. Hiện nay, danh sách bệnh nhân xếp hàng chờ sang Amman đã lên tới con số 100. “Nhờ bệnh nhân truyền miệng với nhau nên chương trình được nhiều người ở Iraq biết tới, nhưng do nhu cầu quá lớn và vì lý do an toàn cũng như thiếu điều kiện kỹ thuật tại chỗ, chúng tôi không thể đích thân tới các vùng nông thôn vốn rất cần sự cứu chữa của chúng tôi”, vị bác sĩ trên bộc bạch. Theo bác sĩ Annick Antierens, giám đốc y tế của tổ chức Bác sĩ không biên giới tham gia chương trình ở Amman, không ít bệnh nhân không thể có cuộc sống bình thương do cơ thể họ bị tật nguyền nặng, một số không thể ăn được vì khuôn mặt quá biến dạng. Và nếu không được điều trị tới nơi tới chốn nhiều người có thể sẽ không qua khỏi.

MAI NGỌC (Theo BBC)

Hussein (phải) cùng một số bạn đồng trang lứa đang được điều trị tại Thủ đô Amman, Jordanie. Ảnh

Chia sẻ bài viết