04/08/2013 - 21:22

Nhiệm kỳ đầy thách thức của tân Tổng thống Iran

Buổi lễ tại quyền cho tân Tổng thống Hassan Rouhani. Ảnh: AP

Hôm 4-8, giáo sĩ ôn hòa theo đường lối cải cách Hassan Rouhani đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống trước Quốc hội Iran với sự chứng kiến của đại diện hơn 50 quốc gia và nhiều khách mời quốc tế. Bốn năm trước mắt của vị tổng thống thứ 7 của quốc gia Hồi giáo được dự báo sẽ đầy thách thức với trọng trách giúp vực dậy nền kinh tế đang bị suy sụp nặng nề do lệnh cấm của phương Tây.

Phát biểu trong buổi lễ chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng thống Iran hôm 3-8, ông Hassan Rouhani cam kết sẽ nỗ lực dỡ bỏ lệnh trừng phạt của quốc tế bằng tuyên bố: “Lộ trình của chính phủ sẽ là giải cứu nền kinh tế Iran và thiết lập thỏa thuận mang tính xây dựng với thế giới”.

Theo ông Rouhani, tỷ lệ lạm phát ở nước này từ đầu năm đến nay đã lên đến 42% và số người thất nghiệp chiếm hơn 13% lực lượng lao động. Riêng nội tệ rial đã mất giá hơn 70% kể từ năm 2012, đồng thời ngoại thương cũng đã phải “giậm chân” do các lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận trong việc giao dịch ngân hàng.

Theo hãng tin Pháp AFP, số liệu trên cho thấy Iran thiệt hại tài chính ngày càng nặng nề trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là từ ngành xuất khẩu dầu mỏ vốn đóng vai trò quan trọng nhất của nền kinh tế. Xuất khẩu dầu mỏ, vốn đã giảm gần 40% hồi cuối năm ngoái, đã chịu tổn thất nghiêm trọng nhất trong vài tuần gần đây khi các khách hàng ở châu Á đã cắt giảm lượng nhập khẩu dầu thô của Tehran.

Giới phân tích cho rằng ngoài khó khăn ở kinh tế quốc nội, vị tổng thống 64 tuổi của Iran sẽ thêm “đau đầu” với nhiều vấn đề khác, từ trắc trở trong quan hệ quốc tế, các cuộc đàm phán khó khăn xung quanh chương trình hạt nhân cũng như bầu không khí chính trường quốc nội khá “ngột ngạt”. Tuy nhiên, vực dậy nền kinh tế được cho là nhiệm vụ gai góc nhất đối với tân Tổng thống Iran.

Kamran Dadkhah, giáo sư nghiên cứu về kinh tế của Trung Đông, cho rằng ông Rouhani sẽ “bận rộn” để đưa nền kinh tế Iran vào đúng lộ trình và điều quan trọng nhất là tìm ra cách hạn chế hoặc xóa bỏ các lệnh cấm vận vốn ảnh hưởng lên nền kinh tế đất nước. Khó khăn nhất đối với tân Tổng thống Iran sẽ là vạch ra cách thức thúc đẩy những kế hoạch của ông mà không gây đối kháng với nhiều nhân vật trung tâm đầy quyền lực. Trong đó, sự ủng hộ của lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định về mọi vấn đề ở Iran, sẽ là “chìa khóa” giúp ông Rouhani “biến” những cam kết thành hiện thực.

Theo giáo sư Dadkhah, để giành được sự nhượng bộ của phương Tây về vấn đề cấm vận, ông Rouhani cần phải tạo ra niềm tin quốc tế đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, đồng thời thuyết phục lãnh tụ tinh thần Khamenei rằng việc đạt được thỏa hiệp với phương Tây là lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, Mehrzad Boroujerdi, chuyên gia về Iran và cũng là giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Syracuse (Mỹ) thì cảnh báo: “Thậm chí nếu chương trình hạt nhân được giải quyết ổn thỏa vào nay mai thì những ảnh hưởng từ lệnh cấm vận đối với nền kinh tế Iran cũng không thể đội nón ra đi một sớm một chiều”.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết