24/08/2017 - 12:44

Nhật tăng ngân sách quốc phòng đối phó Triều Tiên 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang có kế hoạch tăng 2,5% chi tiêu quốc phòng lên 48,12 tỉ USD trong năm tài chính kế tiếp, theo Reuters.

Binh sĩ Nhật bên cạnh hệ thống phòng không PAC-3.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần tăng thứ 6 liên tiếp và cao hơn dự đoán trước đó giữa lúc chính quyền Thủ tướng  Shinzo Abe đang tăng cường sức mạnh quân đội trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. Hiện tại Tokyo đang xem xét đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chống lại hành động quân sự từ Bình Nhưỡng. Theo đó, một phần ngân sách dự kiến dùng để mua đợt đầu tiên tên lửa SM-3 Block IIA (có khả năng đánh chặn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của đối phương) để trang bị cho các tàu khu trục.

Trong khi đó, hôm 22-8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã công bố lệnh trừng phạt mới nhắm vào một loạt công ty và cá nhân, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc bị cho hỗ trợ chương trình vũ khí của Triều Tiên.

BBC cho biết danh sách trừng phạt gồm 10 công ty và 6 cá nhân. Trong số này có 6 thực thể thuộc sở hữu người Trung Quốc, một của Nga, một của Triều Tiên và hai thực thể khác trụ sở tại Singapore. Các cá nhân bao gồm 4 người Nga, một người Trung Quốc và một người Triều Tiên. Như vậy, Washington tổng cộng đã đưa vào “danh sách đen” 23 thực thể và 22 cá nhân liên quan Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền hồi tháng Giêng.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ xác định những công ty và cá nhân nói trên đã hỗ trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời có quan hệ hợp tác thương mại năng lượng với Bình Nhưỡng. Tất cả còn bị cáo buộc giúp đỡ Triều Tiên xuất khẩu lao động và cho phép các thực thể bị chế tài của nước này tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và quốc tế.

Trong khi Bộ Tài chính siết chặt trừng phạt Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong bình luận mang hơi hướng hòa giải hôm 22-8 đã khen ngợi “mức độ kiềm chế hiếm thấy” của Bình Nhưỡng thời gian gần đây. Theo ông Tillerson, Triều Tiên đã không phóng tên lửa hay có bất kỳ động thái khiêu khích quân sự nào kể từ sau nghị quyết trừng phạt hồi đầu tháng 8 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Qua đó, đại diện ngoại giao Mỹ kỳ vọng đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng tham gia hòa đàm với Washington và giải trừ quân bị “trong tương lai gần”.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng lập tức khẳng định sẽ không bao giờ đàm phán hay nhượng bộ về chương trình phát triển năng lực hạt nhân. Trong diễn biến có liên quan, hãng thông tấn trung ương KCNA hôm qua đưa tin lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên chế tạo thêm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết