Chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên của bà Dilma Rousseff kể từ khi nhậm chức tổng thống Brazil hồi tháng Giêng năm nay đã kết thúc thành công vào cuối tuần rồi. Trên dưới 300 lãnh đạo doanh nghiệp tháp tùng bà Rousseff tới Trung Quốc và hai bên đã ký kết khoảng 20 thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ thương mại song phương, trong đó có việc hãng sản xuất máy bay lớn thứ ba thế giới Embraer bán 35 máy bay chở khách tầm trung trị giá 1,4 tỉ USD cho hai hãng hàng không Trung Quốc. Những năm gần đây, quan hệ thương mại Trung Quốc-Brazil tăng mạnh. Với kim ngạch song phương đạt 56,4 tỉ USD hồi năm ngoái, Trung Quốc bỏ xa Mỹ và tiếp tục củng cố vị trí đối tác mậu dịch lớn nhất của Brazil. Năm 2010, Trung Quốc cũng trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ với tổng số vốn đầu tư mới 30 tỉ USD.
Nhân chuyến công du Bắc Kinh của bà Rousseff, tờ Người hướng dẫn khoa học đạo Cơ đốc nhắc lại chuyến thăm Brasilia cách đây một tháng của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo báo này, ông Obama “Nam du” trong giai đoạn “100 ngày trăng mật” của bà Rousseff là nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp Mỹ tại nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới với gần 200 triệu người tiêu dùng. Việc Brazil hồi năm ngoái phát hiện mỏ dầu trữ lượng lên tới 4,5 tỉ thùng có thể là mối quan tâm lớn nhất của Washington khi Trung Đông, khu vực cung cấp “vàng đen” chính cho Mỹ, ngày càng bất ổn. Tại đây, ông Obama không giấu giếm ý định trở thành khách hàng chủ chốt của Brazil, đồng thời đề nghị thành lập cơ chế đối thoại năng lượng chiến lược với sự tham gia của giới lãnh đạo cao cấp nhất của hai bên.
Nhưng dường như các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chân hơn. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Rousseff, hôm 15-4, tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil đã ký các thỏa thuận hợp tác quan trọng với đối tác Trung Quốc là Sinopec và Sinochem. Trước đó, Petrobras đã ký hợp đồng cung cấp cho Sinopec 200.000 thùng dầu/ngày trong thời gian 10 năm. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng từng tài trợ 10 tỉ USD cho Petrobras.
Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Trung Quốc với Mỹ La-tinh nói chung cũng đang tiến triển. Từ đầu năm ngoái đến giữa tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận trị giá ít nhất 65 tỉ USD với các đối tác trong khu vực. Hiện dư luận đang chú ý việc Trung Quốc đề nghị xây tuyến đường sắt dài 220 km trị giá 7,6 tỉ USD (còn gọi là “kênh đào khô”) trên lãnh thổ Colombia nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương để cạnh tranh với kênh đào Panama. Cần nói thêm là kênh đào Panama ra đời cách đây gần 1 thế kỷ đã giúp Washington chi phối kinh tế khu vực. Hiện Mỹ La-tinh đáp ứng hơn 2,5% nhu cầu dầu nhập khẩu của Trung Quốc và theo các chuyên gia, con số này trong tương lai có thể sẽ lên tới 30%, tương đương lượng dầu châu Phi cung cấp cho Bắc Kinh.
Có câu “nhất cự ly, nhì tốc độ”. Mỹ La-tinh được xem là “sân sau” của Mỹ trong khi Trung Quốc cách đó nửa vòng trái đất, nhưng xem ra ai thắng ai trong cuộc đua này vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
LÊ DÂN