16/05/2008 - 09:03

Nhất cữ lưỡng tiện !

Một thủ lĩnh AUC chuẩn bị được đưa lên máy bay dẫn độ sang Mỹ.

Từ gần 10 năm trở lại đây, cứ vào thứ Tư hàng tuần, hàng chục người đàn ông và phụ nữ Colombia đều đặn đến quảng trường của thành phố Medellín lớn thứ hai nước này để yêu cầu chính phủ cho biết về số phận những người thân của họ bị coi là mất tích trong cuộc nội chiến kéo dài 44 năm qua. Tuy nhiên, kể từ ngày 14-5-2008, cơ hội để biết được sự thật của họ càng trở nên xa vời hơn bởi chính quyền của Tổng thống Alvaro Uribe vừa bất ngờ quyết định dẫn độ 14 thủ lĩnh của Lực lượng Phòng vệ Thống nhất Colombia (AUC), nhóm bán vũ trang khét tiếng Colombia, sang Mỹ xét xử vì tội tuồn ma túy vào nước này.

Những kẻ bị dẫn độ đứng trước khả năng bị tòa án Mỹ tuyên phạt khoảng 30 năm tù giam cho mỗi tên. Còn tại Colombia, bọn chúng có thể chỉ bị phạt cao lắm là 8 năm theo đạo luật Công lý và Hòa bình do chính phủ ban hành hồi năm 2003. Chính đạo luật này từng tạo cơ hội cho 31 ngàn thành viên AUC bỏ súng ra đầu hàng và giúp Colombia giảm bớt các vụ ám sát, giết người dã man trong các năm sau đó. Thế thì tại sao Tổng thống Uribe không thực hiện chính sách khoan hồng của chính phủ mà lại giao nộp những người này cho Washington?

Dư luận cho rằng bởi vì các thủ lĩnh của AUC có “dây mơ rễ má” trong chính trường Colombia. Trong hai năm 2006 và 2007, người ta phát hiện các quan chức hàng đầu Colombia như Bộ trưởng Tư pháp, một số thống đốc bang, hàng chục nghị sĩ quốc hội, người đứng đầu cảnh sát và cả các tướng lĩnh quân đội có quan hệ mờ ám với AUC. Hồi trung tuần tháng 4-2008, các nhà điều tra Colombia còn bắt giữ ông Mario Uribe, người anh em họ và là đồng minh chính trị thân cận của Tổng thống Uribe, vì cáo buộc ông này tội đồng lõa với AUC. Tất cả những vụ xì-căng-đan trên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến liên minh cầm quyền của ông Uribe.

Trong khi đó, kể từ năm 2001, chính phủ Mỹ liệt AUC vào danh sách các tổ chức khủng bố, đồng thời hỗ trợ Bogota tiêu diệt nhóm này. Trong hơn 6 năm qua, chính quyền George Bush viện trợ cho Bogota tổng cộng gần 5 tỉ USD. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng nhiều quan chức “có máu mặt” ở Colombia vẫn âm thầm hậu thuẫn cho AUC kinh doanh ma túy, và dùng số tiền “bảo kê” để mua vũ khí chống lại các nhóm chính trị cánh tả như Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) hay Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN).

Trao cho Mỹ xét xử các thủ lĩnh của AUC, chính quyền của Tổng thống Uribe có thể cản trở các cơ quan tố tụng Colombia trong việc phanh phui xì-căng-đan “đi đêm” giữa một số chính khách với nhóm này. Mặt khác, với động thái trên, Bogota hy vọng Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ xem đây là hành động hợp tác và sớm thông qua hiệp định thương mại tự do với Colombia. Quả là nhất cử lưỡng tiện!

V.P (Theo Csmonitor, CFR, Al-Jazeera)

Chia sẻ bài viết