31/03/2016 - 09:43

Nguy cơ nguyên liệu hạt nhân bị đánh cắp

Nguyên thủ từ hơn 50 quốc gia cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ tư trong hai ngày 31-3 và 1-4 tại Thủ đô Washington nhằm thảo luận giải pháp ngăn chặn cơn ác mộng khủng bố hạt nhân.

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ thảo luận các kế hoạch nhằm thúc đẩy việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Và lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị sẽ có một phiên họp đặc biệt để tìm ra giải pháp nhằm ứng phó với các cuộc tấn công khủng bố ở đô thị, và mô phỏng cách thức xử lý mối đe dọa từ một cuộc tấn công khủng bố hạt nhân sắp xảy ra. Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự và tuyên bố tẩy chay hội nghị lần này. Nhà lãnh đạo xứ bạch dương nói rằng ông không "nhúng tay" vào các nỗ lực giải trừ hạt nhân do Washington dẫn đầu. Điều đáng nói là Nga đang sở hữu nhiều kho nguyên liệu hạt nhân dân sự qui mô lớn.

Đoàn xe vận chuyển uranium làm giàu cấp độ cao tại Thủ đô Kiev (Ukraine) hồi tháng 3-2012 trong nỗ lực loại bỏ kho nguyên liệu hạt nhân đủ để chế tạo ít nhất 8 quả bom. Ảnh: NYT

Hội nghị lần này diễn ra giữa lúc có nhiều lo ngại rằng hàng tấn nguyên liệu mà bọn khủng bố có thể sử dụng để tạo ra các thiết bị hạt nhân nhỏ gọn hay bom bẩn có nguy cơ bị đánh cắp. "Nhiều tổ chức khủng bố mong muốn sở hữu nguồn nguyên liệu nguy hiểm này" - Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes phát biểu với tờ US Today.

Mối lo ngại trên không phải là không có cơ sở. Theo tờ Thời báo New York, hiện Pakistan đang theo đuổi việc phát triển một thế hệ mới các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật kích thước nhỏ, vốn từ lâu bị chính quyền Tổng thống Obama cho là dễ bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích. Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama từng tuyên bố rằng Mỹ tin kho vũ khí hạt nhân của Pakistan là rất an toàn nhưng giới chức Washington hiện không nghĩ như vậy. Ngoài ra, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đều có kế hoạch xây dựng các nhà máy mới nhằm sản xuất plutonium, tức làm tăng nguồn nguyên liệu có khả năng sử dụng để chế tạo bom hạt nhân.

Trong khi đó, Bỉ, nơi một cơ sở hạt nhân bị phá hoại hồi năm 2014 và cũng là quốc gia có nhiều người từng làm việc trong lĩnh vực hạt nhân đang tham chiến với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), hiện được xem là nơi mà nguyên liệu hạt nhân dễ bị đánh cắp nhất. Nhiều người lo ngại rằng nơi đây có thể sẽ hứng chịu một cuộc tấn công phức tạp hơn nhiều so với các cuộc tấn công tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở Thủ đô Brussels hôm 22-3.

Trong một báo cáo mới đây, Sáng kiến đe dọa hạt nhân (NTI) - tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi nguyên liệu và vũ khí hạt nhân, cảnh báo nhiều nguồn phóng xạ hiện "không an toàn và có nguy cơ bị đánh cắp". NTI cho rằng khả năng bọn khủng bố sử dụng nguyên liệu hạt nhân để chế tạo bom bẩn "cao hơn khả năng phát triển một thiết bị hạt nhân tự chế". Theo NTI, các thành phần để chế tạo bom bẩn vẫn trôi nổi trên toàn cầu tại hàng ngàn bệnh viện và nhiều địa điểm khác chuyên sử dụng chất phóng xạ để chụp ảnh công nghiệp và trị bệnh. Trong một báo cáo khác, NTI tiết lộ rằng 25 quốc gia hiện sở hữu uranium làm giàu cấp độ cao, cái mà NTI gọi là "một trong những nguyên liệu nguy hiểm nhất trên hành tinh". NTI cho rằng một lượng nhỏ nguyên liệu này cũng có thể sử dụng để phát triển một thiết bị hạt nhân "có khả năng giết chết hàng trăm ngàn người".

TRÍ VĂN (Theo US Today, NYT)

Chia sẻ bài viết