Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi vì quyền bình đẳng cho người Dalit, bà Saraswati Nepali - một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Nepal - vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng Giải thưởng Nhà vô địch Chống phân biệt chủng tộc Toàn cầu (GARC).
.webp)
Bà Saraswati Nepali nhận giải thưởng GARC từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
“Đó là một bất ngờ và vinh dự đối với tôi. Giải thưởng cũng khiến tôi nhận ra rằng sự phân biệt đối xử hiện diện trên khắp thế giới, bất kể sắc tộc, chủng tộc hay giai cấp. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục đấu tranh cho công lý và bình đẳng” - bà Nepali phát biểu khi nhận giải GARC tại Washington DC hồi tháng trước. Nhà hoạt động xã hội 41 tuổi cũng được trao Giải thưởng Darnal về Công bằng Xã hội vào năm 2018.
Nói về động lực thôi thúc bản thân đến với con đường đấu tranh giành công lý và bình đẳng cho người Dalit, Nepali cho biết nó xuất phát từ những thiệt thòi mà bà gánh chịu ở trường học hồi còn nhỏ. “Tôi phải chạy về nhà, cách trường 25 phút, để uống nước mỗi khi ra chơi chỉ vì tôi là người Dalit, không được phép chạm vào nước ở trường” - Nepali kể lại, nói thêm rằng bản thân nhiều lần phải bỏ lớp vì không có nước uống. Đỉnh điểm là vụ việc xảy ra vào năm học lớp 10, Nepali trải qua nỗi khổ cả ngày không có một giọt nước để uống. “Tôi khát quá và về nhà uống nước nhưng ở nhà không còn nước. Người Dalit chúng tôi thường phải đi bộ rất xa để lấy nước hoặc chờ hàng giờ liền để hứng một xô từ vòi của tầng lớp trên, vì chúng tôi không được phép chạm vào vòi nước hoặc ao hồ. Hôm đó, mẹ tôi đợi hàng tiếng đồng hồ mà không lấy được nước. Đó không phải là lần đầu tiên tôi phải nhịn khát cả ngày, nhưng nó khiến tôi tổn thương và quyết tâm đấu tranh cho quyền lợi của mình” - bà Nepali nhớ lại.
Được biết, người Dalit chiếm ít nhất 13% dân số Nepal. Tuy Chính phủ Nepal tuyên bố không có sự phân biệt đối xử dựa trên giai cấp vào năm 2006 và các quyền cơ bản của người Dalit được đảm bảo trong hiến pháp năm 2015, nhưng họ vẫn bị coi là tầng lớp thấp nhất ở nước này. Như trong giai đoạn 2019-2020, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nepal ghi nhận có 49 trường hợp phân biệt đối xử dựa trên giai cấp. Trong đợt phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 đầu tiên, có 753 trường hợp (bao gồm 34 vụ giết người) đã được báo cáo trên khắp Nepal. “Phần khó nhất là đòi lại công lý cho các nạn nhân Dalit vì cảnh sát từ chối tiếp nhận khiếu nại. Còn nếu vụ việc được tiếp nhận, người Dalit cũng khó đòi được công lý vì tất cả thể chế đều được điều hành bởi những người thuộc tầng lớp thượng lưu vốn cho rằng người Dalit là tiện dân” - bà Nepali nói.
Ngay cả với những hoạt động đấu tranh không mệt mỏi của mình, bà Nepali cũng chưa thật sự được đánh giá cao vì là người Dalit. Năm 2017, bà từng ứng cử chức phó thị trưởng của thị trấn Dashrathchand thuộc huyện Baitadi nhưng thất bại dù có phiếu bầu cao. “Tôi thua vì họ của mình. Người dân Baitadi chưa sẵn sàng đón nhận một phụ nữ Dalit làm phó thị trưởng” - Nepali nhớ lại.
Bà Nepali là con út trong một gia đình Dalit ở Baitadi thuộc vùng núi xa xôi phía Tây của Nepal, một trong những nơi có điều kiện sống kém nhất ở Nepal và là nơi mà tình trạng phân biệt đối xử dựa trên giai cấp vẫn rất nặng nề. Mồ côi từ khi mới 6 tháng tuổi, Nepali được 3 anh trai nuôi nấng và động viên theo đuổi con đường học vấn. Năm 15 tuổi, cô gặp các nhà hoạt động đã khởi xướng phong trào "vào các quán ăn cấm người Dalit". Hồi đó, người Dalit chỉ được uống trà ngoài trời và tự mình rửa ly. Đến năm 22 tuổi, Nepali đã kết nối với Mạng lưới Dalit Quốc gia và Hiệp hội Phát triển Dalit. Việc từng chứng kiến và trực tiếp trải qua nạn phân biệt đối xử, Nepali đã hoạt động tích cực để đòi quyền lợi cho cộng đồng Dalit.
Thông qua một sáng kiến của Nepali, huyện Baitadi đã cấm lao động nô lệ (hình thức làm việc để trả nợ) vào năm 2007, trước khi Chính phủ Nepal đưa ra quyết định tương tự trên toàn quốc vào năm 2008.
Để xóa bỏ những định kiến và thiệt thòi của cộng đồng người Dalit, bà Nepali cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm. “Sau hơn 20 năm vận động, chúng tôi cũng chỉ có thể mang lại 30% thay đổi cần thiết. Vấn đề là người Dalit vẫn nghèo và thất học. Bây giờ, tôi muốn làm việc về giáo dục và trao quyền kinh tế cho người Dalit để chúng tôi cũng có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong xã hội và đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi luật pháp. Tôi sẽ chiến đấu cho đến khi chết vì quyền bình đẳng” - nhà hoạt động xã hội khẳng định.
NGUYỆT CÁT (Theo Guardian, Nepalitimes.com)