17/06/2010 - 21:42

Người cán bộ nhiệt tâm

Tâm huyết, cần mẫn trong công việc đó là những gì mà đồng nghiệp, người dân địa phương nhận xét về chị Huỳnh Thị Thanh Dung, cán bộ lao động, thương binh và xã hội thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chị Dung đã góp phần giúp hàng trăm hộ gia đình có việc làm, thu nhập ổn định, nhiều trường hợp là người già neo đơn, trẻ em mồ côi vượt qua khó khăn.

Đầu tháng 6-2010, tôi có dịp gặp người phụ nữ “Ăn cơm nhà, lo chuyện xã hội” này. Gặp tôi, chị Dung vui mừng khoe: “Nhờ mấy lớp dạy nghề đan thủ công mỹ nghệ mà nay ở thị trấn có trên trăm hộ có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Thấy bà con phấn khởi, tôi cũng vui lây”.

Chị Huỳnh Thị Thanh Dung (bìa trái) đang phát lương cho đối tượng chính sách. 

Căn nhà cấp 4 vừa mới được lợp lại mái tôn nằm cặp con đường bê tông thẳng tắp, trong nhà 3 người phụ nữ đang bận rộn làm việc để hoàn thiện những sản phẩm cuối cùng. Thấy chúng tôi, chị Thạch Thị Liên (ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ) niềm nở chào đón và ra mở cửa rào. Trong không khí ấm áp, chị Liên vừa pha trà vừa thuật lại câu chuyện của gia đình mình: “Trước đây, gia đình tôi nghèo khó dữ lắm. Ông nhà qua đời không được bao lâu thì tôi lại đổ bệnh nặng. Nhà không đất đai canh tác, cuộc sống chủ yếu dựa vào tiền công làm thuê, làm mướn của 3 đứa con nhỏ. Căn nhà xiêu vẹo, dột nát mỗi khi có mưa, nhưng nhiều năm vẫn không sao có đủ tiền sửa chữa. Cuối năm 2008, cô Dung đến vận động cho hai đứa con của tôi theo học lớp đan thủ công mỹ nghệ ở thị trấn. Thú thật, lúc đầu tôi không đồng tình, vì làm lụng suốt ngày mà có khi gạo còn không đủ ăn nói chi đến việc đi học nghề. Cũng nhờ cô Dung tận tình động viên, giải thích, giúp đỡ, 3 đứa con của tôi sau khi học xong lớp dạy nghề, về nhà nhận nguyên liệu làm gia công sản phẩm, thu nhập mỗi ngày khoảng 180 ngàn đồng. Từ đó, gia đình tôi mới có tiền sửa chữa lại căn nhà, không còn lo mưa, nắng như lúc trước nữa”.

Hơn 9 năm làm công tác lao động thương binh và xã hội, chị Dung đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bà con. Chị Thanh Dung cho biết: “Là địa phương mà đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, bà con dân tộc Khmer đông, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm rất được Đảng ủy và chính quyền địa phương quan tâm. Những năm trước, việc dạy các nghề như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, uốn tóc,... được nhiều người tham gia học, nhưng khâu giải quyết việc làm gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường còn hạn chế. Qua đó, cho thấy việc đào tạo nghề phải gắn liền với nhu cầu tuyển dụng cũng như giải quyết việc làm tại gia đình là rất cần thiết. Cuối năm 2008, thị trấn thí điểm mở lớp dạy nghề đan thủ công mỹ nghệ đầu tiên cho hơn 40 học viên. Ngoài việc dạy nghề, địa phương còn chủ động tìm doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ để nhận gia công và tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm tại nhà cho học viên. Một doanh nghiệp đã đồng ý cung cấp nguyên liệu để học viên gia công sản phẩm tại nhà, sau đó doanh nghiệp trả tiền công trên sản phẩm. Hầu hết học viên điều có việc làm, cho thu nhập khá. Đến nay, thị trấn đã đào tạo gần 200 học viên học nghề đan thủ công mỹ nghệ, rất nhiều người nhận làm gia công sản phẩm, từng bước cải thiện cuộc sống”.

Chúng tôi ghé thăm gia đình của em Nguyễn Văn Trí (sinh năm 1998, ở ấp Thới Hòa B), mồ côi cha, mẹ đang sống chung với ông bà ngoại. Thấy chị Dung ngoài sân, em Trí chạy ra ôm chầm chị Dung. Ông Nguyễn Văn Soăn, ông ngoại của em Trí, cho biết: “Vợ chồng tôi đã ở tuổi gần đất xa trời, chỉ tội cho đứa cháu ngoại mồi côi cha mẹ. Mấy năm nay nhờ cô Dung thường xuyên lui tới động viên, giúp đỡ mà Trí đã vượt qua đau buồn, mặc cảm, học hành đạt kết quả tốt. Điều đáng quí, cô Dung luôn xem Trí như con của mình. Cách vài hôm là cô ấy đến thăm, chỉ dẫn việc học tập, chăm sóc khi có bệnh, khi thì chở Trí về nhà mình chơi vài hôm”.

Không chỉ là người linh động trong việc đề xuất chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm hiệu quả, chị Dung còn tận tâm trong việc giải quyết các chế độ chính sách cho bà con; vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền, gạo cho những trường hợp khó khăn. Như trường hợp của bác Trịnh Thái Hoàng (ở ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ) sống neo đơn, bị bệnh tai biến nằm liệt giường. Ngoài việc lập hồ sơ để bác Trịnh Thái Hoàng được hưởng trợ cấp chế độ người cao tuổi, chị Dung còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ gạo, tiền sửa chữa nhà, trị bệnh... Chị Dung cho biết: “Làm công việc này phải có tính kiên trì và thường xuyên đi xuống địa bàn để nắm bắt tình hình mới có thể giúp đỡ kịp thời những trường hợp khó khăn”.

* * *

Quê ở tỉnh Tiền Giang, tháng 3-1986 chị Dung nhập ngũ và được phân công phục vụ ở Quân khu 9. Trong thời gian công tác ở đây, chị quen với người lính trẻ Võ Anh Việt. Sau ngày giải ngũ, hai người kết hôn và chị về lập nghiệp ở quê chồng. Năm 1997, chị làm cán bộ xóa đói giảm nghèo ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Ô Môn cũ), rồi cán bộ lao động thương binh và xã hội cho đến nay. Vợ chồng chị Dung có 2 người con đang trong tuổi ăn, tuổi học. Dù bận nhiều công việc nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian lo cho gia đình. Anh Võ Anh Việt nói: “Công việc ở cơ quan rất bận rộn nhưng bà nhà tôi vẫn chu toàn trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Hằng ngày, vợ tôi đều tranh thủ thời gian chăm lo cho mẹ chồng, cơm nước tươm tất cho chồng con...”.

Anh Hồ Văn Tranh, Chủ tịch UBND thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng như chế độ chính sách cho bà con của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương dưới 10%. Từ đầu năm đến nay, có thêm 37 hộ thoát nghèo,... Năm 2010, thị trấn đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 9%. Đạt được kết quả này cũng nhờ sự năng động, tận tụy, mạnh dạn đề xuất những biện pháp xóa đói, giảm nghèo của chị Huỳnh Thị Thanh Dung. Không chỉ là cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà chị Dung sống gương mẫu, gần gũi, thường xuyên giúp đỡ những đồng nghiệp trẻ. Vừa qua, chị Dung vinh dự được thành phố chọn đi dự hội nghị điển hình tiên tiến do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức vào cuối tháng 6 này”.

Chị Dung chia sẻ kinh nghiệm: “Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo đã khó, công tác chống tái nghèo còn khó hơn. Do đó, ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ bà con, còn phải sâu sát nắm bắt tình hình thực tế như sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả trong việc nuôi trồng, hành nghề,... Từ đó, mới kịp thời uốn nắn những trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, nhân rộng mô hình hiệu quả, đề xuất những giải pháp giải quyết phù hợp”...

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết