03/07/2010 - 09:39

Ngoại trưởng Mỹ thăm "sân sau" của Nga

Trong bối cảnh nhạy cảm xung quanh việc Mỹ bắt giữ 11 nghi can điệp báo Nga, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (ảnh) hôm 2-7 đã bắt đầu chuyến công du tới Ba Lan và 4 nước thuộc Liên Xô trước đây. Mục đích của bà Clinton là tái khẳng định mối quan hệ với các đối tác ở khu vực vốn được coi là “sân sau” của Nga.

Tại trạm dừng chân đầu tiên ở Ukraina vào hôm qua, bà Clinton đã gặp Tổng thống Viktor Yanukovych, nhà lãnh đạo thân Nga. Bà Clinton là quan chức cao nhất của chính quyền Mỹ tới Ukraina từ khi ông Yanukovich nhậm chức hồi tháng 2 năm nay. Ông Yanukovych đã thay đổi chính sách thân phương Tây của người tiền nhiệm Viktor Yushchenko, vốn làm rạn nứt quan hệ với Nga khi tìm cách đưa Ukraina gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Thế nên, các nhà phân tích cho rằng trọng tâm trong chuyến đi tới Ukraina của Ngoại trưởng Mỹ là nhằm củng cố quan hệ với Kiev.

Sau khi rời Ukraina, bà Clinton tới Krakow (Ba Lan) và dự kiến có bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm Cộng đồng Dân chủ, một tổ chức do 2 cựu Ngoại trưởng hai nước Madeleine Albright và Bronislaw Geremek thành lập năm 2000, nhằm xúc tiến dân chủ toàn cầu. Quan hệ giữa Nga và Ba Lan cũng đã “ấm” lại sau vụ tai nạn máy bay của Ba Lan trên lãnh thổ Nga hôm 10-4, khiến Tổng thống Lech Kaczyunski cùng phu nhân và 94 người khác thiệt mạng.

Sau Ba Lan, bà Clinton sẽ đến Azerbaijan và Armenia, trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng vài tháng qua xung quanh vấn đề quy chế khu vực Nagorny-Karabakh ly khai khỏi Azerbaijan, vốn được Armenia ủng hộ. Các lực lượng Armenia và Azerbaijan đã được triển khai tới giới tuyến ngừng bắn và xung quanh Nagorny-Karabakh. Ít nhất 2 binh sĩ Azebaijan và 4 binh sĩ Armenia thiệt mạng trong trong các cuộc đụng độ ở gần Nagorny Karabakh hạ tuần tháng 6. Tổng thống Azerbaijan Iham Aliyev đầu tháng này dọa sẽ rút khỏi đàm phán hòa bình do nước ngoài bảo trợ sau khi cáo buộc Armenia cản trở đàm phán. Vì vậy, tại Azerbaijan và Armenia, bà Clinton sẽ nỗ lực thúc đẩy hai nước giải quyết những bất đồng bằng đối thoại hòa bình vì điều đó mới có lợi cho Mỹ. Azebaijan là nước cho phép Mỹ sử dụng không phận và một phần đường bộ để chuyển quân và hậu cần tới Afghanistan. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev phàn nàn Washington không nhiệt tình giải quyết xung đột giữa Azebaijan và Armenia.

Trạm dừng chân cuối cùng của bà Clinton là Gruzia. Bà Clinton vẫn không hài lòng với quan hệ giữa Nga và Gruzia sau cuộc chiến tranh hồi tháng 8-2008. Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili mới đây cho biết Tbilisi sẵn sàng đàm phán với Nga về việc bình thường hóa quan hệ với Nga, nhưng chưa được Mát-xcơ-va phản hồi tích cực. Gần đây, Washington đã nhiều lần gây sức ép buộc Nga rút các lực lượng khỏi 2 vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia, nhưng Mát-xcơ-va vẫn làm ngơ.

Nhiều nguồn tin cho biết chuyến đi của bà Clinton được lên kế hoạch khá lâu trước khi Bộ Tư pháp Mỹ thông báo việc bắt giữ 11 người bị cáo buộc làm gián điệp cho chính quyền Nga. Vụ việc làm căng thẳng mối quan hệ với Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, những cáo buộc gián điệp trên chỉ là vấn đề nhỏ so với những mối quan hệ chính trị của Mỹ với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Mát-xcơ-va đang nỗ lực khẳng định lại tầm ảnh hưởng ở khu vực mà Tổng thống Dmitry Medvedev gọi là “vùng lợi ích đặc quyền” của Nga. Tất nhiên, Mỹ bác bỏ khái niệm phạm vi ảnh hưởng của Nga ở khu vực này và cho rằng các nước Trung Âu có quyền lựa chọn ngã về Nga hay thân Mỹ. Trong khi đó, các nước khu vực này chỉ trích Washington đã quá ưu ái Mát-xcơ-va mà bỏ quên họ. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng chuyến đi của bà Clinton là để cho thấy rằng Washington vẫn quan tâm “sân sau” của Nga.

NGUYỄN HOÀNG (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết