17/01/2021 - 18:49

Ngoại giao vaccine của Ấn Độ 

Ấn Độ đặt mục tiêu đến đầu tháng 8 sẽ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 300 triệu người, đồng thời nỗ lực sử dụng 2 loại vaccine “made in India” gồm Covaxin và Covishield để củng cố ảnh hưởng địa chính trị của mình trong khu vực.

Một tình nguyện viên Ấn Độ được tiêm vaccine Covaxin. Ảnh: PTI

Một tình nguyện viên Ấn Độ được tiêm vaccine Covaxin. Ảnh: PTI

Ấn Ðộ dự kiến sẽ tặng khoảng 10 triệu liều vaccine COVID-19 cho các quốc gia Nam Á, gồm Afghanistan, Bhutan, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Maldives, cũng như một số đối tác tại các khu vực lân cận như Myanmar, Mauritius và Seychelles. Ðáng chú ý, một số nước như Brazil, Hàn Quốc, Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Maroc và Nam Phi cũng bày tỏ mong muốn mua vaccine sản xuất tại Ấn Ðộ - được mệnh danh là “cường quốc dược phẩm của thế giới”, chiếm hơn 60% nguồn cung vaccine toàn cầu. Theo kế hoạch, Nam Phi sẽ nhận 1 triệu liều Covishield vào cuối tháng này, sau đó sẽ nhận thêm 500.000 liều nữa vào tháng sau.

Giáo sư Harsh Pant, giám đốc chương trình nghiên cứu chiến lược tại Hãng tư vấn Observer Research Foundation, cho biết Ấn Ðộ rất tích cực tương tác với các nước láng giềng kể từ khi đại dịch bùng phát. Không chỉ cung cấp thuốc điều trị, Ấn Ðộ còn tổ chức nhiều buổi tập huấn dành cho các chuyên gia đến từ Nepal, Bangladesh, Myanmar và Maldives về những vấn đề liên quan đến vaccine. Trong một tuyên bố hồi năm ngoái, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi nhấn mạnh rằng năng lực sản xuất và phân phối vaccine của New Delhi sẽ được sử dụng vì lợi ích của toàn nhân loại trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo ông Pant, sở dĩ Ấn Ðộ thực thi chính sách ngoại giao vaccine là vì nhiều lý do. Một là, Ấn Ðộ muốn được xem như một cường quốc khu vực có trách nhiệm. Hai là, nếu như đại dịch COVID-19 không được xử lý tại các khu vực lân cận, Ấn Ðộ không chỉ gặp các vấn đề về hậu cần mà công sức gầy dựng hình ảnh một cường quốc nhân ái của Ấn Ðộ ở Nam Á sẽ đổ sông đổ bể. Ba là, đây là công cụ giúp Ấn Ðộ tăng cường vị thế tại khu vực.

Tuy nhiên, Ấn Ðộ đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc thúc đẩy một sản phẩm chưa được thử nghiệm hoàn chỉnh, bởi thử nghiệm giai đoạn 3 đối với Covaxin đến nay vẫn chưa được hoàn tất. Trong khi đó, tình trạng thiếu dữ liệu chứng minh tính hiệu quả của vaccine cùng với quá trình phê duyệt không minh bạch khiến giới chuyên gia lo ngại rằng các cơ quan quản lý Ấn Ðộ đang quá nóng vội, từ đó có thể làm tổn hại đến sự tín nhiệm cũng như niềm tin vào quy trình quản lý.

Pankaj Jha, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Ðại học Toàn cầu OP Jindal (Ấn Ðộ), cho rằng New Delhi nên thận trọng khi thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, bởi bất kỳ tác dụng phụ hoặc vấn đề nào phát sinh trong quá trình vận chuyển vaccine cũng sẽ làm bùng phát “một cuộc khủng hoảng ngoại giao”.

Nỗ lực ngoại giao vaccine của Ấn Ðộ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao vaccine ở nhiều nước Nam Á. Hôm 6-1 vừa qua, có đến 5/8 quốc gia Nam Á tham gia cuộc đối thoại trực tuyến về vaccine COVID-19 do Trung Quốc tổ chức, gồm Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và Pakistan. Trên phương diện toàn cầu, Trung Quốc không giấu giếm việc sử dụng 5 ứng viên vaccine COVID-19 của nước này để mở rộng ảnh hưởng. Ðơn cử như ở Ðông Nam Á, Trung Quốc hứa cung cấp vaccine cho Malaysia và Philippines. Tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Mohammed bin Rashid Al-Maktoum đã tình nguyện tham gia các cuộc thử nghiệm vaccine do Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc triển khai, trong khi Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố sẽ tiêm vaccine CanSinoBio của Trung Quốc. Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil...cũng được Trung Quốc hứa hẹn cung cấp hàng triệu liều vaccine COVID-19.

Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covaxin của Hãng Bharat Biotech. Nhưng các chuyên gia y tế và nghị sĩ đối lập chỉ trích việc phê duyệt Covaxin do thiếu dữ liệu về tính hiệu quả, vốn đang được nhà sản xuất thu thập. 

TRÍ VĂN (Theo ThePrint, SCMP)

Chia sẻ bài viết