06/05/2015 - 08:53

NATO rầm rộ tập trận khắp Bắc Âu

Trong bối cảnh căng thẳng với Nga vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4-5 bắt đầu triển khai 3 hoạt động diễn tập trên khắp Bắc Âu với sự tham dự của hàng ngàn binh sĩ đến từ một loạt các quốc gia NATO và những nước đồng minh.

Diễn tập chống tàu ngầm ở vùng Biển Bắc

Với quy mô diễn tập săn ngầm lớn nhất từ trước tới nay, hãng tin Anh Reuters cho biết NATO lần đầu tiên mời quốc gia không phải thành viên của khối là Thụy Điển tham dự cuộc tập trận mang tên "Dynamic Mongoose". Huy động hàng chục tàu chiến, tàu ​​ngầm, máy bay và trực thăng, lực lượng Hải quân của 10 nước NATO và Thụy Điển trong 2 tuần sẽ thực hành các bài tập mô phỏng rèn luyện kỹ năng tránh bị theo dõi, phát hiện, tấn công, tiêu diệt tàu ngầm và những "đối tượng đáng ngờ dưới nước" tại một trong những vùng biển nguy hiểm nhất ở phía Tây Na Uy.

Đây là hoạt động tập trận thường niên của NATO nhưng diễn ra tại thời điểm căng thẳng leo thang giữa Nga và một số quốc gia Bắc Âu sau nhiều báo cáo gần đây cho thấy "tàu lạ" thường xuất hiện trong vùng biển thuộc chủ quyền của các nước trên.

Tàu ngầm các nước NATO tham gia tập trận "Dynamic Mongoose" tại Biển Bắc. Ảnh: Reuters

Cụ thể hồi tuần trước, Phần Lan cho biết đã phát hiện một tàu ngầm không xác định dọc theo bờ biển nước này. Hồi tháng rồi, thành viên của NATO là Litva cũng báo cáo phát hiện "tàu ngầm Nga" di chuyển gần vùng biển của họ. Trước đó vào tháng 10 năm ngoái, Thụy Điển đã phát động cuộc săn tàu ngầm lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh để truy quét đối tượng mà nước này ngụ ý là tàu ngầm của Nga tại vùng biển ngoài khơi Stockholm, mặc dù thực tế chứng minh chỉ là một tàu cá bình thường. Ngoài ra, máy bay Nga trong những tháng gần đây cũng bị cáo buộc nhiều lần tiếp cận, thậm chí vi phạm không phận các quốc gia Bắc Âu và vùng Baltic, thách thức hệ thống phòng không, gây nên làn sóng phản ứng từ các nước đồng minh NATO.

Nói về vấn đề này, giới chức Hải quân Mỹ cho biết mục tiêu của "Dynamic Mongoose" không nhằm truyền tải thông điệp cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào. Theo chỉ huy cuộc tập trận - Chuẩn Đô đốc Brad Williamson, "Nga có quyền hoạt động trên biển, cũng tương tự như chúng ta. Nhưng chúng tôi nhận thấy các sự cố nêu trên không phù hợp với quy định quốc tế ... và đó là nguyên nhân của vấn đề". Mặc dù khẳng định cuộc diễn tập không mang tính đáp trả nhưng ông Williamson nêu rõ "các sự cố trên xảy ra ở vùng biển của một số quốc gia đồng minh", vì vậy, cuộc diễn tập cho thấy những gì NATO cần làm hiện nay là tập trung nỗ lực và huấn luyện.

"Diễu võ" ở Estonia và Litva

Cuộc diễn tập quy mô lớn do Estonia tổ chức mang tên Siil-2015, dự kiến ​​kéo dài đến ngày 15-5 với 13.000 binh sĩ tham gia. Trong đó, 7.000 là lính dự bị và thành viên lực lượng tình nguyện trong đơn vị quân đội Estonia, số còn lại là binh sĩ đến từ Mỹ, Anh, Đức, Latvia, Litva, Bỉ, Ba Lan và Hà Lan.

Theo hãng tin RT, quân đội Mỹ đang đồn trú ở Estonia trong khuôn khổ "Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương" sẽ triển khai 4 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams tham gia Siil-2015. Các đơn vị phòng không của Anh, Bỉ, Đức cùng chiến đấu cơ NATO cũng được điều động.

Quân đội các nước Bắc Âu cũng đang tổ chức diễn tập quân sự của riêng mình như một phần cuộc tập trận lớn nhất nước mang tên Lightning Strike. Với 3.000 binh sĩ tham gia, Tư lệnh quân đội Litva - Thiếu tướng Jonas Vytautas Zukas cho biết cuộc tập trận tập trung vào kỹ năng huấn luyện hành động phối hợp giữa quân đội và các đơn vị dân sự nhằm chống lại các mối đe dọa khác nhau bằng cả phương pháp quân sự lẫn phi quân sự. Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Litva, Lightning Strike còn thử nghiệm hệ thống huy động và công cụ an ninh mạng trong nước.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, RT, NPR)

Chia sẻ bài viết