06/11/2015 - 10:25

NATO gởi thông điệp cứng rắn với Nga

Thời gian gần đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục có những động thái thể hiện sự đối đầu với Nga, từ tập trận quy mô lớn đến củng cố hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải.

Tập trận để "dằn mặt" Mát-xcơ-va​​

NATO đang tiến hành cuộc tập trận qui mô lớn nhất trong hơn một thập kỷ. Trident Juncture bắt đầu hôm 21-10 và kéo dài tới 3 tuần trên một vùng rộng lớn ở Nam Âu, trải dài từ Bồ Đào Nha đến Ý, với sự tham gia của 36.000 binh sĩ từ tất cả 28 quốc gia thành viên NATO và 8 nước đối tác, cùng với hơn 160 máy bay và 60 tàu chiến. Theo AP, mục tiêu số một của Trident Juncture là biểu dương lực lượng và kiểm nghiệm khả năng phản ứng của NATO trước các mối đe dọa an ninh, đồng thời nhằm khẳng định rằng Mỹ và các đồng minh có thể phản ứng kịp thời và phối hợp với nhau trước một cuộc khủng hoảng. "Chúng tôi đang gởi đi một thông điệp đến bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào rằng NATO sẵn sàng triển khai một cách nhanh chóng các lực lượng vũ trang, và chúng tôi có thể làm việc này trên đất liền, trên biển và cả trên không" - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với tờ ABC.

Tàu chiến NATO trong cuộc tập trận Trident Juncture. Ảnh AP

Trong khuôn khổ Trident Juncture, hôm 4-11, hơn 500 binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn dù 82 đặt tại căn cứ quân sự Fort Bragg ở bang Bắc Carolina bất chấp thời tiết xấu đã đồng loạt nhảy dù xuống một khu vực huấn luyện gần Zaragoza, phía Đông Bắc Tây Ban Nha, sau khi có chuyến bay trực tiếp từ Mỹ trên máy bay vận tải C -17 Globemaster III. Trong khoảng 60 phút, 1.800 binh sĩ từ 12 nước thành viên NATO với sự yểm trợ của máy bay trực thăng và xe tăng đã mô phỏng một cuộc tấn công chống lại kẻ thù giả định.

Củng cố sự hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải

NATO vào tháng tới sẽ phác thảo các đề xuất cho "chiến lược phía Nam" nhằm phản ứng với tình trạng bất ổn gia tăng trên khắp Trung Đông cũng như sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Nga tại phía Nam eo biển Bosphorus.

Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết, chiến lược này sẽ tập trung vào một loạt các biện pháp như tăng cường hoạt động giám sát và trinh sát của các lực lượng NATO trên Địa Trung Hải, triển khai binh sĩ NATO đến làm cố vấn tại các nước bị khủng hoảng trên khắp Bắc Phi và Trung Đông, cũng như tăng cường việc triển khai lực lượng quân sự thường trực của NATO ở khu vực này. Theo ông Stoltenberg, "chiến lược phía Nam" sẽ bao gồm việc thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn và thường xuyên hơn trên khắp khu vực. "Chúng tôi sẽ thảo luận chiến lược phía Nam ở cấp Ngoại trưởng vào ngày 1 và 2-12 tới. Dự kiến, chúng tôi sẽ có một báo cáo nhằm giải quyết và đánh giá những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt ở phía Nam" – ông Stoltenberg nói với tờ Financial Times. Ngoài ra, NATO cũng đang xem xét việc mở rộng cái gọi là quan hệ "cùng nhau phòng ngự" với các quốc gia láng giềng.

Hải quân Mỹ cũng đã cân nhắc việc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại châu Âu nhằm đáp trả hành động của Nga. Đô đốc Hải quân John Richardson cho hay Washington đang xem xét việc triển khai thêm tàu chiến và tàu ngầm nhằm ngăn chặn "chủ nghĩa phiêu lưu" của Mát-xcơ-va.

TRÍ VĂN (Theo AP, FT)

Chia sẻ bài viết