11/02/2024 - 20:45

Năm đột phá ngoại giao! 

Trong một thế giới nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị, các hoạt động đối ngoại cấp cao của Việt Nam năm 2023 đã tạo ra những bước đột phá, ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự hội nhập sâu rộng, toàn diện và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: TTXVN

Một trong những cột mốc rất đặc biệt đó là chúng ta đón tiếp chuyến thăm chưa từng có của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên 2 bậc, từ Ðối tác Toàn diện thành Ðối tác Chiến lược Toàn diện. Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper gọi đây là “bước đi phi thường”. 

Vị thế của quan hệ Ðối tác Chiến lược Toàn diện

Chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 của Tổng thống Joe Biden có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Ðối tác Toàn diện. 

Quan hệ Ðối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ với 10 trụ cột, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ hai nước, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ðiều này cho thấy hợp tác hai nước không chỉ được mở rộng mà còn đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Khuôn khổ Ðối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, mà còn đóng góp quan trọng cho hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Như lời Tổng thống Biden nói, việc nâng cấp quan hệ sẽ “mở ra kỷ nguyên mới” trong quan hệ Việt - Mỹ.

Ngoài nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản cũng thống nhất nâng cấp quan hệ từ Ðối tác Chiến lược Sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên thành Ðối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Ðây là kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào cuối tháng 11, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch nước nhấn mạnh việc nâng cấp “mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới”.

Ngoài dấu ấn nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, năm 2023, các nhà lãnh đạo Ðảng, Chính phủ và Nhà nước ta cũng đón tiếp nhiều vị khách quan trọng. Ðáng chú ý nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 12. Việt Nam là quốc gia thứ hai (sau Nga) ông Tập Cận Bình đến thăm trong năm 2023 mà không kết hợp các hoạt động đa phương. Chuyến đi này đánh dấu lần thứ ba ông Tập tới thăm Việt Nam và là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra đúng vào dịp 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập Ðối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung trong chuyến thăm nêu rõ hai nước nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

Tăng cường đa phương, kết hợp song phương

Năm 2023, các hoạt động ngoại giao của nước ta được tăng cường và mở rộng ở cấp độ song phương lẫn đa phương. Bên cạnh các hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN, các nhà lãnh đạo nước ta cũng tham dự các sự kiện đa phương quan trọng khác, như Chủ tịch Võ Văn Thưởng lần đầu tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco, bang California của Mỹ vào giữa tháng 11. Ðây không chỉ là cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khuôn khổ APEC mà còn nhằm xác lập các cơ chế hợp tác trong sáng kiến  Khuôn khổ kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề xuất, cũng như tăng cường hoạt động ngoại giao song phương với các nước thành viên và tổ chức quốc tế, kết nối thêm với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 9 tham dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ.

Việt Nam hiện có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 6 nước gồm: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023), Nhật Bản (2023). Chúng ta cũng đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với 12 nước quan trọng lần lượt gồm Tây Ban Nha, Anh, Đức, Ý, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp, Malaysia, Philippines, Úc và New Zealand.

Hồi tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản. Ðây là lần thứ ba Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, cũng là lần thứ hai theo lời mời của Tokyo, qua đó cho thấy Nhật Bản nói riêng và G7 nói chung rất coi trọng vai trò và vị thế quốc tế Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu. Giữa tháng 12, Thủ tướng tiếp tục sang Nhật Bản tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản.

Vào cuối tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên sang thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trước đó vào tháng 10, Thủ tướng cũng đã dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Saudi Arabia. Hai chuyến thăm Trung Ðông liên tiếp của Thủ tướng cho thấy nỗ lực tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với khu vực này.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chuyến công du Trung Quốc. Hồi tháng 10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến “Vành đai, Con đường”.  Trước đó vào tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ðến tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh tiếp tục sang Trung Quốc tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Ðầu tư Trung Quốc - ASEAN. 

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết