17/12/2020 - 19:37

Mỹ tố Trung Quốc không tôn trọng thỏa thuận 

Việc Trung Quốc vắng mặt mà không đưa ra lý do tại các cuộc đối thoại cấp cao với Mỹ về an ninh hàng hải trong tuần này, là ví dụ điển hình cho thấy Bắc Kinh không hề tôn trọng các thỏa thuận mà họ tham gia.

Các thành viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chờ bắt đầu phiên đối thoại MMCA nhưng Trung Quốc không xuất hiện. Ảnh: pacom.mil

Ðô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ trích như vậy sau khi Trung Quốc không xuất hiện trong các cuộc họp trực tuyến cấp cao thuộc khuôn khổ Hiệp định Tham vấn Quân sự về Hàng hải (MMCA). Từ năm 1998, quân đội Mỹ - Trung thường xuyên gặp gỡ để đối thoại về MMCA. Mục tiêu các cuộc thảo luận là xem xét những sự cố đã xảy ra trong năm giữa lực lượng hải quân, không quân hai nước, bao gồm ở Biển Ðông. Hai bên còn đánh giá về các quy tắc ứng xử, cân nhắc tăng cường các cách tiếp cận để cải thiện an toàn hàng hải, hàng không theo luật pháp quốc tế.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quan chức hai nước đồng ý tổ chức các cuộc họp MMCA năm nay theo hình thức trực tuyến từ ngày 14 đến 16-12 và hiện chưa rõ tại sao Trung Quốc không tham gia. Phát biểu hôm 16-12, Ðô đốc Davidson khẳng định Mỹ vẫn tuân thủ cam kết với MMCA và kêu gọi Trung Quốc tiến hành đối thoại theo đúng tinh thần hiệp định. Mặt khác, ông nhấn mạnh đây cũng là một cảnh báo cho tất cả quốc gia khi họ theo đuổi các thỏa thuận với Trung Quốc trong tương lai.

Trong diễn biến khác dính líu đến Trung Quốc, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) vừa ra tuyên bố cho biết họ cần thêm thời gian cho báo cáo mật về nỗ lực can thiệp của nước ngoài đối với cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi. Theo Hãng tin Reuters, DNI có hạn chót vào ngày 18-12 để trình báo cáo này lên Quốc hội.

Trong khi đó, Hãng tin Bloomberg vài ngày trước dẫn một số nguồn tin ẩn danh tiết lộ Giám đốc DNI John Ratcliffe cân nhắc từ chối ký báo cáo trên vì tài liệu không phản ánh đầy đủ nguy cơ từ Trung Quốc đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hồi mùa hè, ông Ratcliffe và những quan chức khác thân cận Tổng thống Donald Trump như Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tư pháp William Barr từng đánh giá Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh bầu cử Mỹ, hơn cả Nga. Nói với Bloomberg, nguồn tin cho biết quan ngại của ông Ratcliffe gần đây được củng cố bởi những thông tin thu thập trước và sau ngày bầu cử 3-11, trong đó hé lộ bức tranh toàn diện hơn về những gì được cho là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm hoặc có ý định tác động nhằm ngăn Tổng thống Trump tái đắc cử.

Dự án khu công nghiệp thủy sản đa chức năng trị giá 204 triệu USD của Trung Quốc trên đảo Daru đang khiến Úc lo ngại về mối đe dọa đối với hoạt động đánh bắt cá thương mại và an ninh biên giới. Daru là một trong số ít quần đảo ở eo biển Torres do Papua New Guinea quản lý, nằm cách Úc khoảng 200km.

Jeffrey Wall, cựu cố vấn Chính phủ Úc về Papua New Guinea, tin rằng Bắc Kinh có động cơ sâu xa khi cho xây dựng tổ hợp này. Theo ông, Canberra phải tuyệt đối cảnh giác với dự án của Trung Quốc không chỉ vì nó nằm ở vị trí chiến lược gần với Úc mà còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột trên eo biển Torres.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết