02/08/2010 - 07:54

Mỹ tiêu tiền hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân

Bom hạt nhân B-61 của Mỹ. Ảnh: Hill AF

Theo kế hoạch quản lý kho dự trữ chiến lược mới của Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) của Mỹ công bố gần đây, nước này đang chuẩn bị tân trang lại hệ thống vũ khí hạt nhân, trong đó chỉ riêng việc nâng cấp một phiên bản của bom nhiệt hạch B-61 có thể tiêu hao đến 4 tỉ USD. Giới quan sát và phân tích độc lập tỏ ra lo ngại rằng chiến lược duy trì và củng cố hệ thống vũ khí hạt nhân mới này sẽ là trở ngại lớn cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong Kế hoạch 20 năm của kho vũ khí hạt nhân Mỹ, chính quyền Tổng thống Barack Obama dự kiến đến cuối năm 2020, số đầu đạn triển khai sẵn sàng chiến đấu và số dự trữ trong kho sẽ được cắt giảm từ trên 5.000 xuống khoảng 3.000-3.500. Người đứng đầu Quỹ tài trợ vì hòa bình thời đại hạt nhân (NAPF) – một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập để chống vũ khí hạt nhân, ông David Krieger rất hoan nghênh kế hoạch cắt giảm nhưng cũng bày tỏ quan ngại khi kế hoạch này cũng kèm theo việc tăng cường bảo dưỡng, hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân và tăng chi tiêu cho lĩnh vực này nhiều hơn bao giờ hết. “Khi nào an ninh của Mỹ còn tiếp tục phụ thuộc vào kho vũ khí thì ngày đó rất khó để thuyết phục các nước khác kiềm chế theo đuổi quá trình này”, ông Krieger nhận định.

Theo số liệu của NNSA, chi tiêu hàng năm dành cho hệ thống vũ khí này có thể sẽ tăng từ khoảng 7 tỉ USD trong tài khóa 2011 lên 8,4 tỉ USD vào năm 2017, và hơn 9 tỉ USD vào năm 2030. Kế hoạch này bao gồm việc chi khoảng 3,5 tỉ USD cho nhà máy làm giàu uranium mới tại Oak Ridge, chi cho cơ sở nghiên cứu plutonium ở Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos dự kiến khoảng 4 tỉ USD. Thêm vào đó, NNSA còn dự định chi mỗi năm khoảng 1 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2030 cho công tác tân trang lại các trang thiết bị. Trong đó, tham vọng duy trì vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh Mỹ được thể hiện rất rõ nét trong dự án nâng cấp bom nhiệt hạch B-61 của Washington.

Hiện tại, Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia (SNL) thuộc NNSA tại bang New Mexico đang nghiên cứu phương thức kéo dài “tuổi thọ” của loại bom B-61 Mod 7 cũ. Phiên bản chiến lược mới của loại vũ phí này sẽ được thiết kế để có thể tạo ra sức công phá từ 10-300 kiloton (10.000-300.000 tấn thuốc nổ TNT). Mỹ hiện có hơn 150 quả B-61 Mod 7 và Mod 11 đang trong tình trạng sẵn sàng ở nhiều nước châu Âu. Công tác nâng cấp sẽ bao gồm việc thay các ống chân không bên trong hệ thống radar của bom (có nhiệm vụ quyết định thời điểm vũ khí kích hoạt ngòi nổ khi đến gần mục tiêu) bằng những thành phần máy tính hiện đại. Đồng thời pin và thiết bị phát neutron (bộ phận bắt đầu phản ứng dây chuyền để tạo ra sự nổ) cũng sẽ được thay mới. Dự án trị giá khoảng 4 tỉ USD này có thể sẽ tạo ra khoảng 100 quả bom B-61 phiên bản mới. Dự kiến, công tác đánh giá thiết kế và chi phí của dự án sẽ hoàn thành vào năm sau, còn quá trình phát triển và thực hiện sẽ tiếp tục diễn ra đến năm 2017, giai đoạn sản xuất sẽ trong khoảng 2018-2023.

Ông Krieger cho rằng việc Mỹ bỏ ra món tiền lớn để bảo dưỡng và cải tiến kho vũ khí hạt nhân “dường như đi lạc hướng” với những thỏa thuận về triệt tiêu loại vũ khí này và “có thể sẽ khiến cho các nước khác hoài nghi về sự chân thành của Mỹ trong việc theo đuổi một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

THUẬN HẢI (Theo WSP, IPS)

Chia sẻ bài viết