|
Tổng thống Obama (phải) trong một lần tiếp Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP |
Tổng thống Barack Obama hôm 13-4 đã bất ngờ đưa ra nhận định kém lạc quan về cơ hội thiết lập hòa bình Trung Đông khi tuyên bố Mỹ không thể giúp gì nếu Israel và Palestine quyết định không đàm phán. Ông Obama cho rằng hai bên “có thể tự nói chuyện với nhau” và Washington không thể áp đặt các giải pháp nếu các bên xung đột không sẵn sàng từ bỏ đối kháng. Lặp lại cam kết xây dựng hòa bình cho Trung Đông là mục tiêu quan trọng của Washington, nhưng ông Obama cho rằng có thể còn lâu mới đạt được. Theo các nhà phân tích, tuyên bố trên của ông Obama là sự thừa nhận rằng tuy hòa bình Trung Đông là ưu tiên hàng đầu của ông ngay từ khi nhậm chức, nhưng rất ít hy vọng tạo được đột phá cho cuộc xung đột này.
Với vai trò trung gian, Mỹ đã và đang nỗ lực thúc đẩy nối lại hòa đàm giữa Israel và Palestine, vốn đổ vỡ hơn 1 năm trước. Tuy nhiên, dù áp dụng nhiều biện pháp ngoại giao và gây sức ép với đồng minh Israel, nhưng chính quyền Obama thậm chí không thể đạt được mục tiêu khiêm tốn là đưa hai bên trở lại bàn đàm phán. Ban đầu, ông Obama chủ trương khôi phục các cuộc đàm phán trực tiếp toàn diện giữa lãnh đạo Israel và Palestine. Nhưng sau đó, ông chỉ yêu cầu hai bên cam kết sắp xếp các cuộc đàm phán gián tiếp thông qua Mỹ. Mục tiêu ít tham vọng đó hiện cũng khó đạt được khi cả Israel và Palestine đều đổ lỗi cho nhau trong việc trì hoãn khởi động lại đàm phán. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thừa nhận chính quyền của ông chưa giải quyết được những khác biệt với Mỹ về việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem- cản ngại chính đối với việc nối lại đàm phán. Ông Netanyahu cho rằng hai nước vẫn đang tìm một giải pháp, nhưng theo các nhà phân tích, chắc chắn Tel Aviv sẽ bảo vệ kế hoạch xây dựng thêm các khu định cư ở khu vực chiếm đóng của Palestine.
Khi lên nắm quyền vào đầu năm ngoái, Tổng thống Obama tuyên bố giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông là “lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ”. Ông đã bổ nhiệm cựu thượng nghị sĩ George Mitchell làm đặc phái viên về Trung Đông, và từ đó đến nay ông Mitchell thường xuyên thực hiện các chuyến ngoại giao con thoi tới khu vực này. Thực tế, người A-rập cảm thấy rất phấn khích sau bài phát biểu lịch sử của ông Obama tại Cairo (Ai Cập) tháng 6 năm ngoái, nhưng cảm giác đó đã dần trở thành sự thất vọng trong 9 tháng qua. Theo các nhà phân tích, thay vì phá vỡ các chính sách trước đây của Mỹ, chính quyền hiện tại đã quay lại với chủ nghĩa thực dụng mới như thời Bill Clinton và George H. W. Bush (Bush cha).
Tổng thống Obama gần đây thừa nhận đã đánh giá thấp những trở ngại trong việc nối lại tiến trình hòa bình. Báo giới Mỹ cho rằng ông Obama đang cân nhắc đưa ra giải pháp mới nếu những nỗ lực đàm phán gián tiếp giữa Israel và Palestine thất bại. Tuần rồi, Nhà Trắng cam kết là sẽ “không gây bất ngờ cho bất kỳ ai vào bất cứ thời điểm nào” về việc thay đổi đột ngột chiến lược hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia James Jones để ngỏ khả năng Washington sẽ có đề xuất mới nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
N. KIỆT (Theo AFP, AP, Reuters)