01/12/2021 - 09:20

Mỹ muốn kiềm chế năng lực hạt nhân Trung Quốc 

Mỹ đang nỗ lực kêu gọi Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán kiểm soát vũ khí trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng mở rộng lực lượng và tăng cường số đầu đạn hạt nhân.

Tổng thống Biden trong hội nghị trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Ðiển), số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc tăng từ 320 hồi năm ngoái lên 350 trong năm nay. Con số này khiêm tốn so với lượng đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của Nga (6.375) và Mỹ (5.800). Nhưng việc Trung Quốc ra sức tăng cường tiềm lực quân sự và không minh bạch thông tin khiến nhiều người lo ngại.

Thúc đẩy kênh liên lạc

Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời Bắc Kinh tham gia với nước này và Nga trong khuôn khổ đàm phán 3 bên về kiểm soát vũ khí nhằm ràng buộc trách nhiệm cường quốc của Trung Quốc. Song, Trung Quốc đã từ chối và phàn nàn rằng Mỹ “không nghiêm túc và chân thành” khi tiếp tục “làm phiền” họ về vấn đề này.

Vốn Mỹ - Trung không có đường dây nóng về chương trình hạt nhân. Hai nước cũng chưa bao giờ đối thoại nghiêm túc về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Thái Bình Dương hay các thí nghiệm vũ khí hủy diệt của Trung Quốc nhằm làm mù các vệ tinh Mỹ nếu xảy ra xung đột. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa siêu vượt âm có năng lực hạt nhân của Trung Quốc hồi tháng 7 cùng với tin nước này xây các hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa và khởi động lại nhiệm vụ máy bay ném bom hạt nhân khiến vấn đề trở nên cấp thiết, buộc Washington tìm biện pháp giải quyết trước lo ngại của các chuyên gia về cuộc chạy đua quân sự hạt nhân lần thứ 3.

Hồi tháng 6, phe Cộng hòa tại 3 ủy ban quân sự, đối ngoại và tình báo Hạ viện Mỹ đã đề nghị Tổng thống Joe Biden xây dựng chiến lược toàn diện ngăn sự phát triển hạt nhân của Trung Quốc. Nếu không, Bắc Kinh có thể đạt được thế cân bằng nhất định với Mỹ vào năm 2030. Cảnh báo được đưa ra giữa thời điểm các cố vấn Nhà Trắng đang xem xét lại chiến lược hạt nhân quốc gia. Theo các chuyên gia độc lập, mối quan tâm của Mỹ hiện không chỉ có số lượng vũ khí mà còn về công nghệ tinh vi mà Trung Quốc đạt được, cũng như cách các nhà hoạch định chính sách nước này định nghĩa vũ khí phi truyền thống. Washington cũng lo ngại Bắc Kinh mở rộng tiềm lực đe dọa mục tiêu của Tổng thống Biden giảm vai trò của vũ khí nguyên tử trong hệ thống phòng thủ nước nhà.

Trong bối cảnh này, Tổng thống Biden tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 15-11 đã nhất trí với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc khởi động các cuộc thảo luận “ổn định chiến lược”. Theo kế hoạch tiếp cận từng bước, tờ New York Times cho biết Nhà Trắng sắp tới sẽ thúc đẩy đối thoại nhằm hạn chế thông tin sai lệch và tránh xung đột. Về lâu dài, hai bên có thể thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí và ký kết hiệp ước hoặc một thỏa thuận về các quy tắc hành vi dựa trên chuẩn mực chung.

Củng cố năng lực hạt nhân

Theo đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2030, lên tới 1.000 đầu đạn. Về phần vũ khí siêu vượt âm, các chuyên gia quân sự không rõ Trung Quốc có triển khai loại vũ khí này hoặc trang bị đầu đạn hạt nhân trong tương lai hay không.

Nhưng trước tham vọng rõ ràng của Bắc Kinh, các quan chức quốc phòng Mỹ đang hợp tác cùng nhiều nhà thầu quân sự để tìm biện pháp phòng thủ mới chống lại các đầu đạn siêu vượt âm. Lầu Năm Góc cũng bắt tay xây dựng mạng lưới gồm khoảng 500 vệ tinh, đảm bảo khả năng theo dõi tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và vũ khí siêu vượt âm. Thế hệ vệ tinh mới được đánh giá là rất quan trọng để thiết lập quy trình đầu cuối, xác định các cuộc tấn công siêu âm và triển khai máy bay đánh chặn tiêu diệt tên lửa đang bay tới.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết