MAI QUYÊN
Mỹ đang có một số điều chỉnh về quốc phòng và an ninh nhằm bảo đảm vị thế ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng đằng sau cam kết quân sự lâu dài của Washington là các cuộc tranh luận gay gắt, đặc biệt những chỉ trích cho rằng tập trung quá nhiều vào Trung Quốc làm suy yếu hoạt động của Lầu Năm Góc ở những nơi khác.

Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ trong một cuộc tập trận chung với Nhật Bản. Ảnh: Getty Images
Thảo luận với Hãng tin BBC, nhà phân tích quốc phòng Jonathan Marcus cho biết trọng tâm tranh cãi hiện nay liên quan việc tái cơ cấu Thủy quân lục chiến để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm ẩn với Trung Quốc.
Với quân số hơn 180.000 và 32.000 binh sĩ trừ bị, Thủy quân lục chiến Mỹ lớn hơn toàn bộ lực lượng vũ trang của một số cường quốc quân sự khác, ví dụ như Israel. Quân chủng này từng phục vụ trong mọi cuộc xung đột quân sự của Mỹ, đặc biệt tạo nên trụ cột vững chắc tại mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong các chiến dịch gần đây, Thủy quân lục chiến Mỹ tiếp tục đóng vai trò nổi bật ở Iraq và Afghanistan.
Nhìn chung, Thủy quân lục chiến giữ vai trò trọng yếu đối với an ninh quốc gia Mỹ với tư cách lực lượng phản ứng đầu tiên và đa nhiệm gồm không lực, bộ binh, viễn chinh và đổ bộ từ biển; có khả năng đảm nhận sứ mệnh tiến công trên toàn cầu. Tuy nhiên, vai trò truyền thống này đang bị thách thức bởi kế hoạch Force Design 2030, vốn lấy mục tiêu đối phó Trung Quốc ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương làm nền tảng.
Ðược biết, Force Design 2030 là kế hoạch kéo dài 10 năm do Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger đưa ra vào năm 2020. Ðặt trong tình huống chiến đấu dàn trải trên các chuỗi đảo, kế hoạch yêu cầu lực lượng này cắt giảm gần 7% tổng quân số vào năm 2030. Về thiết giáp hạng nặng, số lượng các tiểu đoàn bộ binh sẽ bị cắt giảm từ 24 xuống 21. Các khẩu đội pháo binh cũng giảm từ 21 xuống còn 5 và được thay bằng hệ thống tên lửa tầm xa, trong khi các đại đội xe đổ bộ bị cắt từ 6 xuống còn 4. Những cuộc đổ bộ quy mô lớn như trong Thế chiến thứ hai hoặc các đợt triển khai ồ ạt trên đất liền tương tự ở Iraq sẽ không còn nữa khi số lượng phi đội máy bay vận tải hạng nặng MV-22 Osprey cũng bị yêu cầu tinh gọn.
Với những đề xuất trên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ kỳ vọng có thể trang bị và huấn luyện Thủy quân lục chiến thành lực lượng chiến đấu gọn nhẹ, phù hợp loại hình chiến tranh mới. Trong đó, yếu tố định hướng chính là chia các lực lượng lớn thành những đơn vị nhỏ, dàn trải nhưng đảm bảo đủ năng lực thay đổi tình hình thực địa dựa trên hệ thống vũ khí mới. Tuy nhiên, Force Design 2030 ngay từ đầu đã vấp phải sự công kích nặng nề từ các tướng lĩnh nghỉ hưu.
Trong bài bình luận trên tờ Nhật báo Phố Wall, cựu Bộ trưởng Hải quân Jim Webb mô tả Force Design 2030 “không được kiểm chứng đầy đủ” và “còn thiếu sót về bản chất”. Trong một bài viết năm ngoái, 3 cựu Ðại tá Thủy quân lục chiến gồm Gary Wilson, William Woods và Michael Wyly cảnh báo kế hoạch này gây ra “những lo ngại nghiêm trọng” khi tái định hướng “một tổ chức tấn công” thành lực lượng phòng thủ. Thiếu tá Thủy quân lục chiến nghỉ hưu Franz Gayl còn cho rằng Force Design 2030 sẽ không giúp Mỹ thắngTrung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng về Ðài Loan.
Bác bỏ những chỉ trích, chuyên gia quân sự Mike O’Hanlon tại Viện Brookings không nghĩ rằng chiến lược mới tập trung vào Trung Quốc ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động vốn có của Thủy quân lục chiến. Ủng hộ quan điểm này, một số nhà bình luận coi sự thay đổi là điều cần thiết nếu đơn vị phòng vệ vũ trang và tiến công đổ bộ Mỹ phải đối mặt với những thách thức của chiến trường hiện đại, vốn đang được phản ánh qua cuộc chiến ở Ukraine nơi mà tầm quan trọng của máy bay không người lái, tên lửa và khả năng tấn công tầm xa với độ chính xác cao đã được xác nhận.