01/08/2024 - 07:53

Mỹ chưa sẵn sàng cho nhiều cuộc chiến cùng lúc? 

Ủy ban Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, cơ quan được Quốc hội Mỹ ủy quyền phân tích và đưa ra chiến lược trong lĩnh vực phòng thủ đất nước, trong báo cáo mới đây cho rằng nước này có thể nhận thất bại trong cuộc xung đột trong tương lai với Nga và Trung Quốc trừ khi Washington có những thay đổi đáng kể về chiến lược quốc phòng.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo dài 132 trang, cơ quan trên cho hay môi trường an ninh đang ở mức nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến thứ hai nhưng Mỹ lại “chưa chuẩn bị” cho một cuộc xung đột quy mô toàn cầu khác, giữa lúc các đối thủ như Nga, Triều Tiên và Iran đang hình thành liên minh nhằm có thể đe dọa Washington trên nhiều chiến trường, đặc biệt khi Trung Quốc hiện là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với uy thế quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Cơ quan trên ước tính Bắc Kinh đang chi ít nhất 711 tỉ USD/năm cho quốc phòng để có thể theo kịp ngân sách gần 900 tỉ USD của Washington. “Về nhiều mặt, Trung Quốc đang vượt xa Mỹ. Chưa hết, Bắc Kinh còn chiếm ưu thế về mặt quân sự so với Washington ở Tây Thái Bình Dương sau gần 2 thập niên tập trung đầu tư vào quân sự. Do đó, nếu không có sự thay đổi đáng kể từ phía Mỹ, cán cân quyền lực sẽ tiếp tục nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc” - báo cáo viết. 

Trung Quốc hiện tự hào sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với hơn 370 tàu mặt nước và tàu ngầm, chủ yếu tập trung ở Tây Thái Bình Dương, “ăn đứt” con số chưa tới 300 chiếc của Mỹ. Trung Quốc cũng đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng không quân cũng như mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, năng lực mạng và không gian của Trung Quốc đang ở mức “ngang hàng hoặc gần ngang hàng” với Mỹ, từ đó có thể tận dụng lợi thế này để phá vỡ các cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm ngăn Washington tham gia vào một cuộc xung đột.

Báo cáo nhắc lại quan điểm của Mỹ trong Chiến lược Phòng thủ Quốc gia năm 2022 rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ” để thúc đẩy mục tiêu đó, qua đó kêu gọi Washington đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội.

Phần lớn trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã áp dụng chiến lược 2 cuộc chiến. Vì thế, sau các cuộc tấn công khủng bố  11-9, quân đội Mỹ đã dành phần lớn thời gian trong 2 thập kỷ tiếp theo để chiến đấu trong 2 cuộc chiến cùng lúc ở Iraq và Afghanistan, mặc dù không bao giờ ở quy mô của các cuộc chiến tranh thông thường như trong quá khứ. Những năm sau này, Washington lại tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khiến mối đe dọa an ninh ở châu Âu và Trung Đông trở nên nguy hiểm hơn, đồng thời thúc đẩy Nga và Trung Quốc tăng cường liên kết.

“Chúng tôi nhận thấy rằng quân đội Mỹ thiếu cả khả năng và năng lực cần thiết để tự tin rằng họ có thể ngăn chặn và chiếm ưu thế trong chiến đấu. Mỹ cần phải làm tốt hơn trong việc trang bị vũ khí và đạn dược công nghệ cao trên quy mô lớn; bổ sung đạn dược với tốc độ cần thiết để chống lại các kẻ thù có năng lực cao. Ngay từ bây giờ, Mỹ nên thực hiện những thay đổi lớn và đầu tư đáng kể thay vì chờ đợi trận Trân Châu Cảng hoặc sự kiện 11-9 tiếp theo. Tuy nhiên, không thể thiếu sự ủng hộ và quyết tâm của công chúng Mỹ” - báo cáo kêu gọi. Báo cáo cho rằng trong trường hợp xung đột kéo dài, ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ sẽ “không thể đáp ứng nhu cầu về thiết bị, công nghệ và đạn dược” trong bối cảnh Mỹ đang phải vật lộn trong việc cung cấp cho Ukraine số đạn dược cần thiết trong cuộc xung đột với Nga.

Theo báo cáo, tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia trong khi công chúng Mỹ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mối đe dọa từ Bắc Kinh và các đối thủ khác. Để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng, báo cáo khuyến nghị Washington tăng chi tiêu quốc phòng, tiếp tục củng cố các liên minh; yêu cầu Lầu Năm Góc hủy bỏ các chương trình không cần thiết và đầu tư một cách “khôn ngoan” vào mạng, không gian và phần mềm; đồng thời kêu gọi sự chung tay của chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận trong việc đáp ứng các nhu cầu về an ninh quốc gia.

Báo cáo thừa nhận rằng nguồn lực của Mỹ không phải là vô hạn, đặc biệt là nếu nhiều cuộc chiến nổ ra trên khắp thế giới cùng một lúc. Từ thực tế này, báo cáo cho rằng các nhà hoạch định quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) nên tìm cách “giảm sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết