Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13-8 đã phê duyệt thương vụ bán vũ khí khổng lồ trị giá 20 tỉ USD cho Israel, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang gây sức ép Israel và Hamas phải ngừng bắn sau 10 tháng xung đột nhằm ngăn ngừa Trung Ðông lâm vào cuộc chiến qui mô lớn.
Gaza trong đóng đổ nát vì chiến tranh với Israel. Ảnh: nationofchange
“Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Israel. Hỗ trợ Israel phát triển, duy trì năng lực phòng vệ mạnh mẽ và kịp thời cũng là một phần quan trọng đối với lợi ích quốc gia của nước Mỹ. Thương vụ này phù hợp với các mục tiêu đã nêu” - Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về các hợp đồng bán vũ khí cho đồng minh Israel.
Quốc hội Mỹ cũng đã được thông báo về đợt bán vũ khí sắp tới, bao gồm hơn 50 chiến đấu cơ F-15, 30 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM), gần 33.000 đạn xe tăng 120mm, 50.000 đạn súng cối 120mm và xe chở hàng quân sự mới, cùng các bộ nâng cấp cho phi đội hàng chục tiêm kích hiện có của Israel.
Tuy nhiên, số vũ khí mới sẽ không đến tay Israel ngay lập tức, mà dự kiến diễn ra từ năm 2026-2029.
Phần lớn vũ khí trong hợp đồng giúp tăng cường năng lực quân sự của Israel trong dài hạn. Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã cảm ơn chính quyền Tổng thống Biden vì phê duyệt chuyển giao vũ khí.
Mỹ đã phải cân bằng giữa tiếp tục hỗ trợ Israel với việc ngày càng nhiều nhà lập pháp và dân chúng trong nước kêu gọi hạn chế viện trợ quân sự cho đồng minh Trung Ðông này, do có quá nhiều dân thường thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Tel Aviv ở Dải Gaza nhằm xóa sổ phong trào Hamas.
Thông báo bán vũ khí của Mỹ được đưa ra trước thềm cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Gaza, dự kiến được nối lại tại Ai Cập hoặc Qatar vào ngày 15-8. Thỏa thuận cũng được công bố giữa giai đoạn xung đột ở Trung Ðông có nguy cơ leo thang và mở rộng, sau khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran và chỉ huy quân sự của phong trào Hezbollah Fuad Shukr thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ở Lebanon.
Một đại diện của Hamas ngày 13-8 xác nhận với CBS News rằng họ sẽ không tham gia đàm phán, vì chưa nhận được đảm bảo rằng Israel sẽ cam kết trao đổi trên cơ sở đề xuất hôm 2-7 của nhóm. Ðề xuất của Hamas, được giới chức Mỹ mô tả là “quan trọng”, dường như đáp ứng các điều kiện được nêu trong thỏa thuận khung do Tổng thống Biden công bố vào cuối tháng 5. Khi đó, Israel được cho là đã đồng ý với các điều khoản của thỏa thuận.
Nhưng trong vòng đàm phán gần nhất, được tổ chức tại Ý hồi cuối tháng rồi, Israel lại đưa ra những yêu cầu mới vượt ngoài phạm vi của khuôn khổ, trong đó đề nghị giai đoạn đầu gồm có lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần và thả một số con tin. Israel còn muốn duy trì quyền kiểm soát quân sự vô thời hạn đối với biên giới Gaza - Ai Cập, cửa khẩu Rafah và áp đặt hạn chế đi lại đối với người dân Gaza.
Trước những đòi hỏi trên, Mỹ cùng Ai Cập và Qatar đã thúc đẩy cuộc đối thoại trong nỗ lực phút chót nhằm xóa bỏ những bất đồng tồn đọng giữa các bên, tiến tới chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn 10 tháng và tránh nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện giữa Iran với Israel liên quan các vụ ám sát.
Hamas cho biết họ sẵn sàng gặp gỡ các bên trung gian tại Qatar sau cuộc đàm phán hôm nay, nếu Israel đưa ra “phản ứng nghiêm túc”. Mỹ đang nỗ lực thuyết phục đại diện Hamas tham gia vòng đàm phán này.
Tổng thống Biden ngày 13-8 bày tỏ hy vọng rằng Iran sẽ không tấn công Israel để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Haniyeh nếu Tel Aviv và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Vài giờ trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời 3 quan chức cấp cao giấu tên của Iran nói rằng cuộc tấn công trả đũa Israel có thể bị hoãn lại để tạo điều kiện cho đàm phán thỏa thuận ngừng bắn. Một quan chức an ninh Iran cho biết nước này cùng các đồng minh như nhóm Hezbollah sẽ phát động cuộc tấn công trực tiếp nếu đàm phán Gaza thất bại hoặc họ phát hiện Israel đang cố tình trì hoãn thương lượng. Nguồn tin không nói rõ Iran sẽ chờ quá trình đàm phán trong bao lâu trước khi quyết định hành động.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)