27/02/2009 - 17:11

Một chuyến đi, nhiều mục đích

Phái đoàn xúc tiến đầu tư thương mại gồm 200 doanh nghiệp Trung Quốc do Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh dẫn đầu đang có chuyến Âu du được báo chí phương Tây gọi là đi “shopping” tại Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Anh. Chỉ riêng trong chặng dừng chân đầu tiên là Đức, họ đã “móc hầu bao” tới 14 tỉ USD thông qua việc ký kết 37 hợp đồng mua hàng hóa và thỏa thuận hợp tác. Theo Tân Hoa Xã, phía Trung Quốc đã “chơi sang” khi mua cùng lúc 37.000 xe hơi BMW và 27.000 chiếc Mercedes. Khỏi nói cũng biết là các tập đoàn ô tô đang gặp khó khăn của Đức mừng hơn bắt được vàng.

Nhưng vì sao các doanh nghiệp Trung Quốc phải lặn lội qua tận châu Âu để mua hàng hóa mà không phải chính các công ty châu Âu sang Trung Quốc tiếp thị? Tống Hồng, một nhà nghiên cứu tại Viện Xã hội Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc muốn gởi cho thế giới thông điệp rằng Bắc Kinh không ủng hộ các chính sách bảo hộ mậu dịch, nhất là từ khi cụm từ “Mua hàng Mỹ” được đề cập trong gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỉ USD của chính quyền Barack Obama. Ngoài ra, Bắc Kinh còn muốn chứng minh rằng thế giới hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, và quốc gia đông dân nhất hành tinh này có tinh thần trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất tại châu lục này trong thời buổi đơn đặt hàng giảm sút mạnh. Cũng nhân cơ hội đó, các doanh nghiệp Trung Quốc thúc đẩy quá trình đổi mới thông qua việc nhập khẩu các công nghệ và thiết bị tiên tiến từ châu Âu với giá rẻ. Tóm lại là hai bên cùng có lợi, nhưng “tiếng thơm” thì thuộc về một mình Trung Quốc.

Hơn nữa, sứ mạng của phái đoàn “mua sắm” còn giúp củng cố quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu trước thềm chuyến công du và tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 tới tại Anh của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc bạn hàng lớn thứ hai của EU. Kim ngạch thương mại hai chiều hồi năm ngoái đạt 425,6 tỉ USD, tăng 19%, trong đó thặng dư của Trung Quốc là 160 tỉ USD.

Theo AFP, bên cạnh các sứ mạng kể trên, chuyến đi của phái đoàn thương mại Trung Quốc còn nhằm chuyển tải một thông điệp khác khi không ghé qua Pháp, quốc gia quan trọng của EU. Hẳn Bắc Kinh vẫn chưa nguôi giận việc Tổng thống Nicolas Sarkozy “chọc mũi” vào vấn đề Tây Tạng.

Đúng là nhất cử tam tứ tiện!

KIẾN HÒA
(Theo Xinhua, People Daily, AFP)

KIẾN HÒA (Theo Xinhua, People Daily, AFP)

Chia sẻ bài viết