22/08/2024 - 08:02

Mở đường để nông sản Việt thâm nhập thị trường Hoa Kỳ 

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Mặc dù mang lại nhiều tiềm năng và dư địa lớn, song việc nông sản Việt  thâm nhập vào những thị trường khó tính này không hề đơn giản. Ngoài các rào cản kỹ thuật và quy định phải tuân thủ nghiêm ngặt, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt còn phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý, xu thế tiêu dùng liên tục thay đổi tại thị trường này.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được ưa chuộng tại Hoa Kỳ.

Tại hội thảo chuyên đề "Thâm nhập thị trường Hoa Kỳ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng trưởng", các chuyên gia nhận định, với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi phát triển nông nghiệp, Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng đứng trước nhiều cơ hội trong việc mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ. Trong các sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ, Việt Nam được xếp vào một trong các nguồn nhập khẩu chính với nhiều sản phẩm như gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản, hạt điều, hồ tiêu, cà phê, rau quả... Việt Nam là nhà cung ứng lớn nhất về hạt tiêu và hạt điều cho thị trường này; đứng thứ 2 là gỗ và sản phẩm từ gỗ, chỉ sau Canada; trà, cà phê và gia vị đứng thứ 4, sau Colombia, Brazil và Thụy Sĩ; thủy sản chiếm đứng thứ 6 sau Canada, Chile, Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Mark Birnbaum, Trưởng Ban Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai tại Việt Nam, cho biết: Với dân số 338 triệu người, hằng năm Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 200 tỉ USD các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đây là tiềm năng lớn cho Việt Nam - quốc gia có lợi thế về sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, Hoa Kỳ yêu cầu chứng nhận chất lượng cao, quy định về an toàn thực phẩm cho đến các tiêu chuẩn đóng gói và ghi nhãn. Việc đáp ứng tất cả các yêu cầu này thường đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, sự thay đổi liên tục trong các chính sách và tiêu chuẩn cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và tuân thủ. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chuyên gia đánh giá, Giám đốc kỹ thuật Công ty Global Inspection and Certifition Network (CGLOBAL) tại Việt Nam, cho biết: Các lô hàng nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động, thực vật (SPS) và một số mặt hàng cần có kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm/kiểm dịch động thực vật tại nước xuất trước khi xuất hàng đi và có thể bị kiểm tra/kiểm nghiệm/kiểm dịch tại hải quan cửa khẩu Hoa Kỳ. Trong đó, các yêu cầu về SPS được ban hành và thực thi bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (FDA), Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP). Ngoài ra, các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), gồm các tiêu chuẩn tự nguyện hoặc tiêu chuẩn bắt buộc/yêu cầu kỹ thuật mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu/doanh nghiệp sản xuất/nhập khẩu và quy trình đánh giá sự phù hợp đối với các tiêu chuẩn/quy định đó. Đối với mặt hàng nông sản thực phẩm các yêu cầu về TBT gồm các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn yêu cầu bởi các nhãn hàng/thương hiệu/nhà bán lẻ…

Mặc dù có nhiều cản ngại, song Hoa Kỳ là thị trường có dư địa lớn cho hàng hóa, nông sản Việt Nam. Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng trưởng cao, bình quân đạt 14,1%/năm. Để tận dụng lợi thế, ngoài việc làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ xu thế tiêu dùng tại quốc gia này. Bà Phạm Trang Đài, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết: Trong 5 năm qua, Việt Nam có 17 triệu sản phẩm bán ra trên Amazon tại thị trường Hoa Kỳ. Năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trên Amazon tăng hơn 50% so với 2022, số lượng bán hàng trên nền tảng này cũng tăng hơn 40%. Trong số đó, có thể kể đến một số thương hiệu như Minh Long, Sunhouse… Theo bà Phạm Trang Đài, các dòng sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng bán trên Amazon là hạt điều, hàng thủ công, ống hút từ gạo và cỏ, gốm sứ, gỗ, thực phẩm khô, ngũ cốc… Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý, bán hàng trên Amazon là bán trực tiếp đến khách hàng, không qua trung gian, do đó cần đáp ứng 3 yếu tố cốt lõi: làm chủ nguồn nguyên vật liệu (điểm đặc biệt của sản phẩm, các chứng nhận…); công nghệ hiện đại; phải có thương hiệu, bao bì chuẩn chỉnh.

Tác động mang lại từ dịch COVID-19 khiến người dân Hoa Kỳ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe theo hướng tập trung nhiều hơn vào việc ăn uống lành mạnh. Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng kèm theo việc lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, dự kiến xu hướng nấu ăn tại nhà sẽ tiếp tục duy trì tăng lên. Do đó, kênh phân phối thực phẩm qua hệ thống bán lẻ sẽ được người tiêu dùng Hoa Kỳ tăng cường sử dụng hơn trong thời gian tới. Tuy vậy, để định hướng doanh nghiệp Việt nhắm trúng đích, ông Nguyễn Quang Hưng khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động xác định thị trường đích muốn hướng tới, từ đó tìm hiểu, đăng ký chứng nhận trước các tiêu chuẩn nền tảng, tiêu chuẩn bắt buộc theo thị trường trước sau đó mới hướng đến các tiêu chuẩn tự nguyện cao hơn hoặc tiêu chuẩn theo yêu cầu riêng của từng người mua. Doanh nghiệp không nên đầu tư chứng nhận dàn trải khi để tránh lãng phí thời gian, chi phí.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết