Dù diện tích nuôi thực tế chỉ chiếm 20-25% tổng diện tích, nhưng nếu xét về giá trị lợi nhuận tuyệt đối trên một đơn vị diện tích thì mô hình nuôi tôm công nghệ cao (hay còn gọi là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao) là vô đối. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mô hình này chỉ mới chiếm một phần diện tích khá khiêm tốn, nên chưa đủ sức để nâng cao vị thế cũng như tính cạnh tranh của ngành tôm.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao sẽ là xu thế phát triển của ngành tôm để hướng đến mục tiêu bền vững.
“Lớn thuyền - lớn sóng”
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao còn được người nuôi tôm gọi là mô hình “3 siêu”, gồm: siêu lợi nhuận, siêu đầu tư và siêu rủi ro. Với lợi thế nuôi được mật độ cao (năng suất cao) và nuôi được nhiều vụ trong năm (2-4 vụ/năm), nếu gặp điều kiện thuận lợi, tôm nuôi trúng mùa, thì mỗi héc-ta (trong đó có 2.000-2.500m2 ao nuôi) sẽ cho sản lượng 10-20 tấn tôm/vụ là chuyện bình thường. Với sản lượng trên, nếu gặp thời điểm tôm có giá cao thì người nuôi thu lãi tiền tỉ là không khó. Với ưu thế lợi nhuận như trên, những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp và trang trại quy mô lớn đều đầu tư nâng cấp lên mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tại Sóc Trăng, lớn nhất phải kể đến 2 trang trại của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta với khoảng 550ha và trang trại của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood) cũng gần 200ha…
Theo ước tính, để đầu tư 1ha nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi cần có ít nhất là 1 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng (cải tạo ao, máy móc, trang thiết bị…) khoảng 400-500 triệu đồng/ha, chi phí đầu tư cho vụ nuôi đầu tiên (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, điện, nhân công…) tối thiểu cũng lên đến 400-500 triệu đồng. Tuy nhiên, dù là nuôi công nghệ cao thì tỷ lệ thành công cao nhất cũng chỉ 80-90%, nên để đeo đuổi mô hình này, người nuôi cần có nguồn vốn ít nhất cho 3 vụ nuôi, để nếu không may, thiệt hại xảy ra ngay vụ đầu vẫn còn vốn để duy trì sản xuất, tìm thấy lợi nhuận ở những vụ nuôi tiếp theo.
Nếu như trước đây, việc nâng cấp lên mô hình nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải có diện tích lớn (từ 10ha trở lên) thì gần đây, kể cả hộ nuôi quy mô chỉ 1ha cũng có thể nuôi tôm theo mô hình này. Đây được xem là nỗ lực của các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào trong việc đưa mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến với mọi người nuôi tôm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua thống kê của các tỉnh nuôi tôm khu vực ĐBSCL thì số diện tích nuôi tôm công nghệ cao của mỗi tỉnh hầu hết đều dưới 10.000ha/tỉnh, mà nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi tôm thiếu vốn.
Không chỉ có khó khăn về nguồn vốn, thì chất lượng con giống, điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là thủy lợi và điện cũng là thách thức không nhỏ cho mô hình. Chất lượng con giống cùng với nguồn nước chưa được đảm bảo chính là 2 nhân tố quan trọng cấu thành nên “siêu rủi ro” cho nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm công nghệ cao nói riêng, là vật cản sự phát triển của mô hình nuôi tôm công nghệ cao thời gian qua. Đây cũng là lý do vì sao ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood) đã từng mạnh miệng tuyên bố: “Chỉ cần có con giống và nguồn nước tốt thì ngành tôm Việt Nam không ngại gì chuyện cạnh tranh về giá, ngay cả với tôm của Ecuador”.
Tìm hướng đi phù hợp
Có thể nói, mục tiêu phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao của các tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL là rất lớn, bởi đây là xu thế tất yếu, không chỉ giúp gia tăng sản lượng, mà còn giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành và đáp ứng các tiêu chí về sản xuất xanh. Đánh giá về xu thế này, TS Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc, cho biết: “Do quy mô diện tích hộ nuôi nhỏ, nên chúng ta không thể nuôi mật độ thưa như Ecuador vì như thế lợi nhuận không đủ đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của hộ nuôi. Do đó, giải pháp tốt nhất vẫn là tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho việc phát triển mô hình nuôi tôm mật độ cao; trong đó, nuôi tôm công nghệ cao là mô hình có nhiều ưu thế nhất”.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện nay là không thiếu, nếu không muốn nói là khá đa dạng, phong phú và đã được chứng minh tính hiệu quả qua thực tế triển khai tại các vùng nuôi. Cái thiếu còn lại của người nuôi muốn chuyển sang nuôi công nghệ cao phần lớn rơi vào nguồn vốn. Theo tìm hiểu của người viết, hiện hầu hết các mô hình nuôi tôm công nghệ cao quy mô nhỏ và vừa đều sử dụng nguồn vốn từ các đại lý cung ứng vật tư đầu vào. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng bị thu hẹp dần do việc thu hồi vốn đầu tư của đại lý những năm gần đây quá khó khăn do giá tôm giảm mạnh, dịch bệnh nhiều, người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Do đó, cần có một chính sách tín dụng riêng cho lĩnh vực này để người nuôi có thêm cơ hội ứng dụng mô hình.
Đóng góp cho giải pháp phát triển nghề nuôi tôm nói chung và nuôi công nghệ cao nói riêng, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, đề xuất tìm nguồn vốn cho người nuôi thông qua việc hướng họ tham gia vào chuỗi liên kết mới với sự tham gia của các mắt xích khác trong chuỗi giá trị con tôm, như thức ăn, chế phẩm nuôi, thương lái và tất nhiên, không thể không có vai trò hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Và vấn đề cuối cùng là Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi.
Dù còn nhiều rủi ro, rào cản nhất định, nhưng trước xu thế phát triển của ngành tôm cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người nuôi tôm, hy vọng tới đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao sẽ có sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự kỳ vọng để góp phần nâng cao tính cạnh tranh và giữ vững vị thế của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ