Phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu vốn là thế mạnh của ĐBSCL. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của vùng đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn, những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch... Vì vậy, đánh giá đúng tiềm năng, thách thức, từ đó đề ra giải pháp phát triển phù hợp là rất cần thiết trong việc đưa nông sản đồng bằng vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Chưa xứng với tiềm năng
Theo Bộ Công Thương, nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD như rau quả, gạo, tôm... phần lớn đến từ ĐBSCL. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL là 7,6 triệu tấn. Tính chung đến nay, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành Nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa; 95% lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác; 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại... Tuy có nhiều thế mạnh, song kinh tế ở ĐBSCL được nhìn nhận phát triển chưa tương xứng tiềm năng.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây.
Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ là nơi tập trung các cơ sở chế biến, xuất khẩu lúa gạo lớn nhất vùng ĐBSCL. Thành phố hiện có 35/158 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, chiếm 22% doanh nghiệp xuất khẩu gạo của cả nước. Sản lượng gạo xuất khẩu không ngừng tăng trưởng qua các năm. Trong năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 976.000 tấn, kim ngạch đạt 520 triệu USD; 8 tháng năm 2024, sản lượng xuất khẩu đạt trên 580.000 tấn, đạt 330 triệu USD, chiếm tỷ lệ 32% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Mặc dù có nhiều lợi thế, song xuất khẩu nông sản của thành phố nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vẫn đối mặt nhiều thách thức do tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của thành phố. Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên không chủ động trong việc thu mua lúa dự trữ phục vụ xuất khẩu; nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Tại tỉnh Bạc Liêu, thủy sản, gạo và muối là 3 mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, tình hình cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, chiến sự giữa Nga - Ukraine kéo dài; xung đột ở Biển Đỏ làm chi phí vận chuyển logistics tăng cao; lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa nhiều yếu tố bất định; cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ… đã và đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu thuộc loại hình vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường và luật pháp quốc tế; chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý…
Nỗ lực nâng chất
Tại hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL mới đây, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thách thức đặt ra xuất khẩu nông sản ĐBSCL vẫn có những lợi thế từ việc nhu cầu lương thực, thực phẩm của thế giới tăng cao; tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do mà Việt Nam đã ký kết… Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Bởi chuyển đổi xanh đang là xu thế mà Việt Nam buộc phải theo khi vào sân chơi toàn cầu. Các địa phương cũng cần định hướng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thay đổi phương thức xuất khẩu hàng hóa theo hướng "xuất khẩu số". Qua đó, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa trong quản lý chuỗi cung ứng, vận chuyển, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững và nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa, tăng thu nhập cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng vùng nguyên liệu tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. "Đồng Tháp xác định nông, thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và lấy công nghiệp chế biến làm động lực phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế theo hướng tăng trưởng xanh và giảm phát thải là hết sức cần thiết. Trước hết, cần xây dựng hệ thống sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp phải được định hướng gắn liền với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tìm kiếm và phát triển sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi máy móc thiết bị, cập nhật công nghệ sản xuất tiên tiến; áp dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp.
Với sự canh tranh ngày càng gay gắt và yêu cầu cao từ thị trường, ông Tô Minh Đương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chế biến sâu vào các thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường; tuân thủ các quy định tại các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường tham dự các chương trình hội thảo, diễn đàn, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế do địa phương, cơ quan Trung ương tổ chức để tăng tính kết nối. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục duy trì tốt các thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bài, ảnh: MỸ THANH