21/02/2011 - 21:30

Maroc trong làn sóng biểu tình

Người biểu tình ở Thủ đô Rabat của Maroc. Ảnh: AP

Trong vòng xoáy biểu tình lật đổ lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi, ngày 20-2, hàng ngàn người dân Maroc đã đổ xuống đường tại các thành phố lớn, đòi cải cách hiến pháp, hạ giá lương thực, phóng thích tù nhân theo đạo Hồi, hạn chế quyền lực của Quốc vương Mohammed VI...

Maroc là một trong những nước sau cùng vùng Maghreb (gồm 3 nước Maroc, Algérie và Tunisie) ở Bắc Phi chứng kiến cảnh người dân xuống đường biểu tình hưởng ứng lời kêu gọi “Phong trào vì sự thay đổi ngày 20-2”, được loan truyền trên trang mạng xã hội Facebook. Hơn 10.000 người đã tuần hành tại Thủ đô Rabat, trong khi khoảng 3.000 - 5.000 người tập trung tại thành phố lớn thứ hai của Maroc là Casablanca. Nhiều đoàn biểu tình nhỏ hơn cũng xuống đường tại các thành phố Marrakesh, Tangier và một số nơi khác. Tuy nhiên, đến chiều 20-2, chỉ còn khoảng 1.000 người nán lại trên đường phố Rabat và khi màn đêm buông xuống, chỉ còn khoảng 100-200 người cố gắng cầm cự phong tỏa con đường bên ngoài tòa nhà quốc hội. Đến gần 11 giờ đêm, cảnh sát chống bạo động dàn hàng hai bên đoàn người biểu tình và các quan chức cảnh sát cao cấp đến thuyết phục đám đông về nhà nếu không muốn bị bắt giữ. Khi cảnh sát chống bạo động rút lui thì người biểu tình cũng rời khỏi đường phố.

Cũng như nhiều nơi khác ở Trung Đông và vùng Maghreb, một thế hệ trẻ Maroc đòi hỏi phải có sự thay đổi ở đất nước có 32 triệu dân này. Trong đoạn phim được các nhà tổ chức biểu tình công bố trên Internet, một nhóm thanh niên cho biết lý do họ tham gia chống chính phủ, đó là vì họ muốn có việc làm mà không phải hối lộ và muốn truy vấn trách nhiệm những người mà họ cho là “hủy hoại đất nước”. Tuy nhiên, với những người lớn tuổi ở Maroc, họ không đồng thuận với việc biểu tình, khi cho rằng Quốc vương Mohammed VI đã làm mọi việc vì dân chúng, nhất là người nghèo. Một người dân tên Mohammed, 67 tuổi, nói với Nhật báo Wall Street của Mỹ rằng ông không biết thế hệ trẻ này muốn gì, nhưng thế hệ của ông đã chứng kiến nhiều thành tựu của Maroc.

Lên nắm quyền năm 1999, Quốc vương Mohammed VI, 47 tuổi, đã cải thiện hình ảnh một thời tai tiếng của Maroc về tình trạng ngược đãi, cũng như quyền nữ giới và một số lĩnh vực khác. Quốc vương Mohammed VI khá được lòng dân chúng, khi nới lỏng những luật lệ cứng rắn và hà khắc từ thời cha ông, Quốc vương Hassan II. Một cố vấn của ông cho biết Quốc vương Mohammed VI đang lắng nghe và gần đây đã cam kết chi 1,9 tỉ USD trợ cấp để giảm tác động tăng giá lương thực và các mặt hàng thiết yếu.

Maroc cũng chủ động tiến hành một số bước cải cách dân chủ trong thập niên qua, trong đó có 2 cuộc bầu cử mà các nhà quan sát quốc tế công nhận là tự do và công bằng, mặc dù hầu hết quyền hành vẫn nằm trong tay quốc vương và những người do ông bổ nhiệm.

Sau sự sụp đổ của Tổng thống Ben Ali ở Tunisie hồi tháng Giêng và làn sóng biểu tình dâng cao ở Algérie sau đó, nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng Maroc sẽ “miễn nhiễm”. Thực tế, khi biểu tình bắt đầu diễn ra hôm 20-2, cảnh sát gần như không có mặt tại Rabat. Các cửa hàng và các quán cà phê dọc theo tuyến đường người biểu tình hướng tới tòa nhà quốc hội vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

N. MINH (Theo WSJ, Guardian)

Libye lo xảy ra nội chiến

Ngày 21-2, con trai của nhà lãnh đạo Libye là Saif al-Islam Gadhafi đã cảnh báo nước này có thể xảy ra “nội chiến”, nếu trật tự không được vãn hồi sau khi biểu tình lan rộng tới Thủ đô Tripoli. Sau cuộc trấn áp mạnh tay tại thành phố Benghazi, lớn thứ hai của Libye, hồi tuần rồi, số người chết hiện đã lên tới hơn 230 người (có tin nói tới 285 người). Saif lặp lại rằng Libye “không phải là Ai Cập hay Tunisie”, lực lượng vũ trang cùng với hàng chục ngàn người ủng hộ vẫn đứng về phía Tổng thống Muammar Gadhafi và sẽ “chiến đấu tới người cuối cùng, viên đạn cuối cùng”.

Cùng ngày, Tòa nhà Quốc hội Libye, hay còn gọi là Cung Nhân dân và một số trạm cảnh sát đã bị người biểu tình phóng hỏa. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết khoảng 500 người Libye đã tràn vào một khu vực xây dựng của Hàn Quốc, cách Thủ đô Tripoli khoảng 30 km về phía Tây và cướp phá, làm khoảng 15 người Bangladesh và 3 người Hàn Quốc bị thương.  


Chia sẻ bài viết