30/03/2011 - 08:35

Chiến sự tiếp diễn tại Libye

Liên quân tìm giải pháp cho thời kỳ "hậu Gadhafi"

Cuộc chiến tại Libye đang tiếp tục diễn ra ác liệt theo hướng bất lợi cho quân đội chính phủ nước này. Có lẽ vì thế mà hội nghị quốc tế quy tụ khoảng 40 phái đoàn đại diện cho các nước tham chiến chống Libye, các tổ chức trong khu vực và quốc tế, khai mạc tại Luân Đôn (Anh) ngày hôm qua 29-3, đã bắt đầu bàn giải pháp cho thời kỳ... “hậu Gadhafi” tại Libye.

Lực lượng nổi dậy Libye đang tiến về thành phố Sirte, quê hương của ông Gadhafi.
Ảnh: AP

Anh và Pháp quyết lật đổ chế độ Gadhafi

Ngoài sự có mặt cấp cao của tất cả các nước thuộc liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu trong cuộc không kích Libye, hội nghị còn có đại diện cấp cao của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Jean Ping và phe nổi dậy tại Libye. Mục tiêu của hội nghị là thảo luận “sáng kiến Pháp-Anh” về các giải pháp chính trị nhằm cái mà những người đề ra sáng kiến này gọi là “hỗ trợ nhân dân Libye và tiến trình chuyển giao quyền lực” ở nước này.

Tuy nhiên, trước khi bàn giải pháp “đối thoại chính trị quốc gia” cho Libye, Paris và Luân Đôn mong muốn “cộng đồng quốc tế tạo điều kiện thích hợp để nhân dân nước này quyết định tương lai của mình”, trong đó cần có thêm sự tham gia của nhiều nước A-rập và châu Phi để liên quân không bị “hiểu nhầm” chỉ là các nước phương Tây trong cuộc chiến mà họ nói là để “bảo vệ dân thường Libye” theo nghị quyết áp đặt “vùng cấm bay” của Hội đồng Bảo an LHQ. Pháp và Anh đề nghị tăng cường lực lượng không quân để mau chóng kết thúc “cuộc chiến từ xa” mà không phải dùng bộ binh vi phạm nghị quyết LHQ về việc không chiếm đóng Libye dưới bất kỳ hình thức nào.

Trong một tuyên bố chung được công bố chỉ một ngày trước khi diễn ra hội nghị quốc tế về Libye tại Luân Đôn, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron ngày 28-3 đã khẳng định nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi phải ra đi ngay lập tức, đồng thời kêu gọi những người trung thành với ông Gadhafi rời bỏ ông “trước khi quá muộn”.


Obama biện minh cho hành động tham chiến của Mỹ

Phát biểu được truyền hình trên toàn quốc sáng hôm qua 29-3 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington không thể tiếp tục gánh chịu những phí tổn tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc chiến ở Iraq thông qua việc tìm cách sử dụng sức mạnh quân sự lật đổ nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng biện minh mạnh mẽ cho hành động can thiệp của Mỹ tại Libye, cho rằng khi những lợi ích và giá trị của Mỹ đang lâm nguy, Washington có trách nhiệm phải hành động. Ông cho biết thêm NATO sẽ tiếp nhận toàn quyền chỉ huy chiến dịch quân sự của liên quân ở Libye từ ngày 30-3.

Ông Obama cam kết quân đội Mỹ sẽ giảm bớt sự can dự của nước này khi các đồng minh tiến tới gánh vác trách nhiệm chính của chiến dịch, còn Washington sẽ đóng vai trò hỗ trợ hậu cần, tình báo, tìm kiếm cứu nạn... Liên quan đến động thái này, các quan chức quân đội Mỹ cùng ngày thông báo Lầu Năm Góc đã bắt đầu rút một số tàu khỏi Địa Trung Hải. Phó Đô đốc Bill Gortney, một thành viên Hội đồng tham mưu liên quân của Mỹ, cho biết tàu USS Providence, một trong ba tàu ngầm được Mỹ triển khai tại vùng biển này để tấn công Libye, đã được điều động sang nhiệm vụ khác.

Cùng với tuyên bố của ông Obama, hãng tin Mỹ AP cho biết không lực nước này đang sử dụng máy bay EC-130 để thực hiện kế hoạch tâm lý chiến, tức tuyên truyền thông tin trên radio và truyền hình làm xáo động tinh thần chiến đấu của quân chính phủ Libye. Chiến dịch này từng giúp Mỹ thành công trong cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003.

Chiến dịch quân sự vẫn leo thang

Mặc dù tuyên bố Mỹ chỉ đóng “vai trò hỗ trợ” chiến dịch quân sự, nhưng tờ Washington Post ngày 28-3 cho hay Lầu Năm Góc đã bắt đầu sử dụng hai loại máy bay tầm thấp là trực thăng AC-130 và chiến đấu cơ A-10. Những loại chiến đấu cơ được trang bị súng máy và pháo binh hạng nặng này mặc dù dễ bị “làm mồi” cho đối phương nhưng khả năng tiếp cận, sức tàn phá chống lực lượng bộ binh rất hiệu quả.

Trong khi đó, thành phố Sirte, quê hương của ông Gadhafi, đang là tâm điểm của cuộc đối đầu giữa quân chính phủ và phe nổi dậy từ ngày 29-3. Đây có thể được coi là trận địa trọng yếu nhất quyết định số phận của quân chính phủ, mặc dù ông Gadhafi vẫn đang cố thủ ở Thủ đô Tripoli trước sự không kích ồ ạt không ngừng của liên quân.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Lực lượng nổi dậy Libye đang tiến về thành phố Sirte, quê hương của ông Gadhafi. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết