HẠNH NGUYÊN (Theo The Hill, AFP)
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres vừa kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu để ngăn chặn “Ngày tận thế nhân đạo”, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao liên quan chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Tổng Thư ký Guterres phát biểu tại cuộc họp cấp cao của Đại Hội đồng LHQ ngày 26-9. Ảnh: Xinhua
“Hãy để tôi nói rõ. Thời đại đe dọa hạt nhân phải chấm dứt. Ý tưởng cho rằng bất cứ quốc gia nào có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân là sai lệch. Bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ dẫn tới Ngày tận thế nhân đạo”, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh trong bài phát biểu kỷ niệm Ngày Quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26-9.
Tuần rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước này, trong khi Mỹ lên tiếng cảnh báo “những hậu quả thảm khốc” nếu Mát-xcơ-va hành động như thế.
Tổng Thư ký LHQ cũng thể hiện sự thất vọng khi Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hồi tháng 8 không đạt được đồng thuận. Ðó là lần thứ hai hội nghị diễn ra tại trụ sở LHQ không thể thông qua văn kiện trong một kỳ họp. Lần gần đây nhất là tại kỳ họp năm 2015. Vấn đề gây tranh cãi giữa đại biểu các nước tham dự hội nghị là số phận của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine và lời kêu gọi các quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe.
Khi đó, phía Nga đã không đồng tình với văn kiện sau khi bản dự thảo ủng hộ việc Ukraine kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia. Là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu với tổng cộng 6 lò phản ứng, Zaporizhzhia hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga nhưng được vận hành bởi các nhân viên kỹ thuật Ukraine. Các cuộc giao tranh gần Zaporizhzhia đe dọa cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp điện của nhà máy. Việc Nga quản lý nhà máy này làm dấy lên lo ngại xảy ra một sự cố lớn.
Mỹ sau đó lên án quan điểm của Nga. Tuy nhiên, không cường quốc hạt nhân nào phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) vốn được LHQ thông qua năm 2017, với sự ủng hộ của 122 nước thành viên. TPNW có hiệu lực từ tháng 1-2021.
Tại LHQ, ông Guterres lưu ý: “Vũ khí hạt nhân là vũ khí có sức phá hủy lớn nhất từng được tạo ra. Chúng không mang đến an ninh mà chỉ là sự tàn sát và hỗn loạn. Do vậy, loại bỏ vũ khí này là món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta dành tặng cho các thế hệ tương lai”. Bất chấp nỗ lực lâu nay của LHQ nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế tiến tới việc cấm phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, tổ chức này cho rằng hiện vẫn còn gần 13.000 vũ khí như thế trong các kho đạn khắp thế giới.
Không quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường kể từ khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945, khiến hơn 200.000 người chết.
Tính đến đầu năm nay, 9 quốc gia sở hữu gần 12.700 đầu đạn hạt nhân, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc (5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ) và Pakistan, Ấn Độ, Israel, CHDCND Triều Tiên. Mặc dù Nga và Mỹ đã phá bỏ hàng ngàn đầu đạn hạt nhân cũ, hai nước này vẫn còn nắm giữ 90% tổng số vũ khí hạt nhân của thế giới. Trong đó, Mát-xcơ-va có 5.977 vũ khí hạt nhân và con số này của Washington là 5.428.