 |
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố tại thành phố Aleppo hôm 10-2. Ảnh: Reuters |
Tình hình Syrie đang gia tăng căng thẳng khi cuộc họp ngoại trưởng Liên đoàn A-rập (AL) hôm 12-2 đã đưa ra tuyên bố chung cam kết hậu thuẫn chính trị và vật chất cho phe đối lập tại nước này trong cuộc chiến lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuyên bố chung của các ngoại trưởng AL nêu rõ tổ chức này sẽ mở các kênh thông tin với phe đối lập Syrie cũng như cung cấp mọi hình thức hỗ trợ chính trị và vật chất để giúp họ lật đổ chế độ al-Assad. AL cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình chung giữa các nước A-rập và LHQ để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Syrie. Tổ chức này còn duy trì lệnh cấm vận kinh tế và thương mại chống chế độ al-Assad, đồng thời kêu gọi tất cả các nước thành viên cắt đứt mọi hình thức hợp tác ngoại giao với Syrie. AL cũng hoan nghênh Tunisie đăng cai tổ chức “Hội nghị những người bạn của Syrie” dự kiến diễn ra vào ngày 24-2 tới, với sự tham gia của các nước A-rập và các thế lực bên ngoài được phương Tây hậu thuẫn.
Tuyên bố của AL có những điểm chưa rõ ràng là liệu lực lượng duy trì hòa bình chung giữa A-rập và LHQ có được trang bị vũ khí hay không, sự hậu thuẫn vật chất có bao gồm viện trợ quân sự và ủng hộ chính trị có đồng nghĩa với việc công nhận Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC) là đại diện hợp pháp của nhân dân Syrie như từng diễn ra ở Libye hay không. Nếu AL ủng hộ các biện pháp trên thì đây là lần thứ hai trong chưa đầy một năm qua, tổ chức 22 quốc gia A-rập này can thiệp vào vấn đề của nước thành viên. Tháng 3 năm ngoái, chính AL đã kêu gọi LHQ áp đặt “vùng cấm bay”, tạo điều kiện cho phương Tây thực hiện chiến dịch quân sự, ném bom dọn đường giúp phe đối lập lật đổ chế độ Muammar Gadhafi ở Libye.
Đại diện ngoại giao của Syrie tại AL, ông Yusuf Ahmed, đã cực lực bác bỏ tuyên bố chung của các ngoại trưởng A-rập, cho rằng đây là một quyết định vi phạm hiến chương của tổ chức và là hành động thù địch nhằm vào mục tiêu an ninh và ổn định của Syrie. Ông Ahmed cũng mô tả đó là một biểu hiện tâm lý “cuồng loạn và ngớ ngẩn” của một số chính quyền A-rập, trong đó chỉ đích danh Qatar và Arabie Séoudite, sau khi Nga và Trung Quốc phản đối nghị quyết của HĐBA hôm 4-2.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Vân ngày 13-2 đã từ chối tuyên bố lập trường của Bắc Kinh có ủng hộ việc thành lập lực lượng hỗn hợp A-rập và LHQ hay không, mà chỉ nhấn mạnh nước này mong muốn chính quyền và phe đối lập tại Syrie cần giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Mát-xcơ-va đang nghiên cứu kiến nghị đó của khối A-rập, nhưng nói rằng trước khi Nga đưa ra quyết định ủng hộ thì các phe phái ở Syrie phải đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
Bạo lực vẫn tiếp diễn
Hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn tin từ phe đối lập Syrie cho biết quân đội trung thành của ông al-Assad hôm qua đã tiếp tục chiến dịch ném bom và pháo kích vào nhiều khu vực của lực lượng nổi dậy tại thành phố miền Tây Homs. Thành phố này có khả năng trở thành “thành trì” của phe nổi dậy với sự giúp sức của các thế lực tình báo và quân sự nước ngoài.
Một ngày trước đó, bạo lực cũng đã xảy ra tại nhiều thành phố khác như Hama và Daraa, làm ít nhất 26 người chết, trong đó có 8 binh sĩ chính phủ. Hama là thành phố lớn thứ 4 của Syrie nằm ở vùng ở phía Bắc Thủ đô Damas.
Tình hình tại Syrie càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có dấu hiệu cho thấy mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đang nhúng tay vào vấn đề ở quốc gia này. Hai vụ đánh bom tự sát liên hoàn nhằm vào các tòa nhà an ninh của chính phủ tại thành phố Aleppo lớn thứ hai thuộc miền Bắc Syrie hôm 10-2 được cho là có bóng dáng của al-Qaeda chống chính quyền Tổng thống al-Assad.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)