06/07/2022 - 05:56

Kinh tế Đức gặp khó 

Giới chính trị gia và lãnh đạo các doanh nghiệp Đức cảnh báo về một cuộc "khủng hoảng kinh tế" lớn nhất trong nhiều thập kỷ, sau khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 1991 ghi nhận thâm hụt thương mại.

Một kho hàng tại Duisburg, Đức. Ảnh: EPA

Một kho hàng tại Duisburg, Đức. Ảnh: EPA

Theo dữ liệu do cơ quan thống kê liên bang công bố ngày 4-7, cán cân thương mại tháng 5 của Đức thâm hụt 1 tỉ USD. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu lên tới 132 tỉ USD trong khi xuất khẩu chỉ 131 tỉ USD. 

Trong nhiều năm, Đức liên tiếp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Tuy nhiên, các quan chức ở Berlin cho biết "suy thoái xuất khẩu" đã bắt đầu và Đức đang đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội "khó khăn nhất" kể từ khi thống nhất. Phát biểu hồi đầu tuần, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng thừa nhận quốc gia Tây Âu đang đứng trước "thách thức lịch sử" và tình trạng khó khăn sẽ không sớm cải thiện. Trước đó, Thủ tướng Scholz có buổi làm việc với lãnh đạo các tổ chức công đoàn và hiệp hội doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp kiểm soát vòng xoáy lạm phát cũng như tháo gỡ "quả bom hẹn giờ" mang tên phí sinh hoạt. Được biết, chỉ số lạm phát ở Đức vào tháng 6 đã tăng lên 7,6% trong khi tâm lý của người tiêu dùng giảm xuống âm 27,4 điểm - mức thấp nhất kể từ khi mô hình khảo sát này được tiến hành vào năm 1991.

Theo các nhà quan sát, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng vọt trên khắp châu Âu và tiếp tục làm gián đoạn thương mại toàn cầu, khiến lạm phát leo thang và ảnh hưởng đến cán cân thương mại của những nước phụ thuộc nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài như Đức. Nhà kinh tế trưởng Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) Claus Vistesen của đơn vị tư vấn Pantheon Macroeconomics dự đoán thâm hụt thương mại của Đức còn kéo dài trong mùa hè và tình hình có thể khó khăn hơn nếu Nga quyết định cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt, làm tăng thêm áp lực chi phí đối với các công ty Đức.

Trước nay, xuất khẩu đóng vai trò là động lực giúp vực dậy nền kinh tế Đức. Nhưng dựa vào dữ liệu hiện thời, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô của ING Carsten Brzeski cho rằng cán cân thương mại sẽ không trở lại như một yếu tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế Đức trong ít nhất vài năm tới. Còn về ngắn hạn, ông Brzeski dự báo giá năng lượng cao và xuất khẩu yếu có thể làm giảm tăng trưởng của Đức trong năm nay, thậm chí nước này và phần còn lại của Eurozone khả năng cao bước vào suy thoái. Hiện cán cân thương mại của khu vực này nhìn chung đang suy giảm với thâm hụt thương mại hàng hóa của tháng 4 đạt 33,8 tỉ USD, đảo ngược so với mức thặng dư 15,5 tỉ USD của cùng kỳ năm trước.

MAI QUYÊN (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết