30/07/2012 - 09:02

Kiểm soát vũ khí ở Mỹ vẫn khó thành luật

Vụ xả súng hôm 19-7 tại rạp chiếu phim ở Aurora, bang Colorado như giọt nước tràn ly về các vụ tấn công bằng súng ở Mỹ, đồng thời mở ra các cuộc tranh luận về bộ luật kiểm soát vũ khí tấn công. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khả năng ra đời của bộ luật này là không cao do vấp phải nhiều khó khăn.

Hai chính đảng ngại đụng đến vấn đề nhạy cảm

Cách đây 4 năm, khi vừa nhậm chức, Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ phục hồi lại lệnh cấm đã hết hạn đối với các loại vũ khí tấn công ban hành hồi năm 1994, hạn chế việc trao đổi buôn bán vũ khí tại các buổi triển lãm súng và tăng cường sức mạnh cho các cơ quan thực thi pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ súng và hoạt động mua bán vũ khí trái phép.

Tuy nhiên, kể từ khi phát biểu trên biến mất khỏi trang web của tổng thống, nhiều chính trị gia của cả hai đảng cố né tránh vấn đề kiểm soát súng nhạy cảm này mà theo họ là “phải trả giá đắt”, khi phải đối mặt với chiến dịch không ngừng nghỉ của nhóm vận động hành lang ủng hộ súng đầy thế lực có tên Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), luôn muốn tẩy chay luật kiểm soát súng.

Vào năm 1994, Mỹ triển khai Luật Cấm sử dụng vũ khí tấn công liên bang có thời hạn 10 năm. Theo đó, việc sản xuất, nhập khẩu vũ khí bán tự động cho mục đích dân dụng đều nằm trong danh sách cấm. Một số thành viên thuộc đảng Dân chủ về sau tin rằng chính bộ luật này là nguyên nhân khiến các cử tri ủng hộ súng “đá văng” họ ra khỏi đa số ghế Hạ viện vài tháng sau đó. 5 năm sau, Phó Tổng thống Al Gore dẫn đầu nỗ lực của phe Dân chủ vận động tại Thượng viện nhằm thông qua quy định hạn chế bán súng tại các buổi triển lãm sau vụ xả súng tại Trường Trung học Columbine. Và sau đó ai cũng hiểu lý do phía sau thất bại của ông Al Gore trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2000. Ngay sau khi vụ xả súng tại rạp chiếu phim Aurora xảy ra, cả hai ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay Mitt Romney và đương kim Tổng thống Barack Obama đều lên án tội ác của hung thủ, tuy nhiên lại né tránh vấn đề kiểm soát vũ khí tấn công.

Robert Spitzer, tác giả quyển sách “Chính sách Kiểm soát Súng” và là chủ tịch khoa Khoa học chính trị thuộc Đại học New York ở Cortland cho rằng, thậm chí sau vụ thảm sát vừa xảy ra, ông cũng không hy vọng vấn đề kiểm soát súng sẽ được đề cập trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Các chính trị gia của cả hai phe đều yếu thế trong việc chống lại luật kiểm soát súng. Sự chia rẽ trên chủ yếu mang tính khu vực và văn hóa hơn là nặng về chính trị, trong khi nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ không mấy sẵn sàng gánh lấy sự phẫn nộ của các cử tri, những người xem việc bảo vệ quyền sở hữu súng cho riêng họ như là “liều thuốc thử của giá trị Mỹ”.

Kiểm soát lỏng lẻo

Luật kiểm soát súng năm 1994 đã trở thành điểm sáng hiếm hoi trong vấn đề quản lý súng ở Mỹ, nhưng đã hết hạn 10 năm sau đó và những cố gắng phục hồi hiệu lực vẫn thất bại. Ảnh: Guardian 

Trong vụ xả súng tại Aurora, hung thủ Holmes đã đặt mua 4 khẩu súng và trong 8 tuần hắn mua trực tuyến 3.000 viên đạn cho súng trường AR-15 và 3.000 viên cho 2 khẩu Glocks cùng hàng trăm viên khác. Không có quy định liên bang nào kiểm soát số lượng đạn dược mà một cá nhân được phép mua. Ở nhiều bang, đạn được bán trong các siêu thị, bên cạnh các kệ hàng tiêu dùng. Luật liên bang cũng không yêu cầu kiểm tra nhân thân của người mua đạn, và không buộc người bán khai báo với chính quyền về số lượng lớn đạn dược mua bán.

Sau những nỗ lực phục hồi luật cấm vũ khí tấn công liên tiếp thất bại, một số thành viên trong Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy các điều luật cụ thể hơn nhằm hạn chế kích cỡ các băng đạn của súng. Dưới bộ luật năm 1994, các băng đạn mới sẽ không chứa hơn 10 viên đạn. Đến năm 2004, bộ luật cấm vũ khí tấn công hết hiệu lực, và nó trở nên quá dễ cho hung thủ Holmes mua súng với băng đạn chứa tới 100 viên và bắn hết chỉ chưa đầy 2 phút. Những nỗ lực để quốc hội gia hạn luật trên cũng thất bại trước sự phản đối từ các thành viên thuộc đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Mặc dù một vài bang cũng ban hành lệnh cấm sở hữu súng, tuy nhiên, rất nhiều bang khác đã không yêu cầu giấy phép mua súng, mặc dù luật liên bang đòi hỏi kiểm tra nhân thân người mua. Số vũ khí mang theo trong người cũng không được quản lý. Luật ở các bang như Florida và Mississippi cũng gần như lỏng lẻo.

Chướng ngại mang tên NRA

Nhóm vận động hành lang ủng hộ việc sở hữu súng dẫn đầu là NRA đã thành công trong việc ngăn chặn các pháp chế khác tại Quốc hội và cũng như thách thức các nỗ lực áp dụng thủ tục hành chính của chính quyền Tổng thống Obama. NRA là một nhóm cổ súy cho súng, mạnh về tiền của và có sức ảnh hưởng lớn đối với Washington.

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng vũ khí chảy sang các băng đảng ma túy Mexico từ các bang ở Mỹ như Texas, những thành viên trong đảng Dân chủ năm qua đã ủng hộ điều luật cấm vận chuyển trái phép vũ khí cấp liên bang. Tuy nhiên, điều luật này đang phải đối mặt với sự phản kháng của NRA. NRA cũng đang chống lại việc chính quyền Tổng thống Obama yêu cầu các cửa hàng bán súng tại 4 bang giáp biên giới Mexico phải báo cáo nếu có cùng một người mua nhiều hơn 2 khẩu súng trường tấn công và các loại súng khác trong 5 ngày.

Những nỗ lực của Quốc hội Mỹ trong việc điều chỉnh mua bán đạn dược trên mạng cũng thất bại trước thế lực quá mạnh của một NRA luôn ủng hộ việc sở hữu súng đạn.

THANH BÌNH (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết