20/08/2021 - 05:57

Khuyến cáo giảm lượng giống và phân bón để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa 

(CT) - Ngày 19-8, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến “Chủ động giảm lượng giống, phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19”.

Thời gian qua, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã dùng máy cấy lúa, chỉ sử dụng lượng giống 60 kg/ha, giúp tiết kiệm giống và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Thời gian qua, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã dùng máy cấy lúa, chỉ sử dụng lượng giống 60 kg/ha, giúp tiết kiệm giống và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Diễn đàn tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành vùng Nam Bộ và đơn vị, doanh nghiệp  trao đổi, đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm giảm lượng sử dụng giống và sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả để giảm giá thành sản xuất lúa. Đây là vấn đề cấp thiết trong tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19, giá phân bón và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất đều tăng. Giống và phân bón được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong sản xuất lúa, đặc biệt việc chọn giống tốt, gieo cấy thưa với mật độ phù hợp giúp cây lúa khỏe mạnh ngay từ đầu vụ sẽ tạo điều kiện giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc…

Theo các diễn giả, nông dân còn giữ tập quán gieo sạ mật độ dày, bón phân cho lúa chưa khoa học nên dễ dư thừa và sử dụng nhiều loại vật tư đầu vào khác cũng chưa hiệu quả, tiết kiệm, dẫn đến giá thành sản xuất lúa cao. Ngành Nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo nông dân chọn giống tốt và chỉ nên sử dụng lượng giống khoảng 80-100kg/ha trở lại, áp dụng các giải pháp khoa học để sử dụng phân bón tiết kiệm như: tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng, bón phân căn cứ theo bảng so màu lá lúa, áp dụng kỹ thuật bón phân chôn vùi kết hợp cấy máy… Đồng thời, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các quy trình canh tác tiên tiến như  “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… gắn với liên kết doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất lúa.

Tham dự diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ, giới thiệu nhiều mô hình, giải pháp, kinh nghiệm và cách làm hay nhằm chủ động giảm lượng giống và sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm phối hợp các bộ, ngành Trung ương có giải pháp ổn định giá phân bón trên thị trường và tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng lúa giống. Hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, ứng dụng máy móc và tiến bộ kỹ thuật để giảm lượng giống và phân bón hiệu quả, tận dụng được nguồn rơm rạ làm phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết