17/05/2009 - 08:57

Khủng hoảng tài chính toàn cầu

Kỳ 1: Nguồn gốc khủng hoảng
Kỳ 2: Giải cứu và những cuộc tranh cãi

Kỳ 3: Chủ nghĩa tư bản đi về đâu?

Jeff Immelt, Giám đốc điều hành tập đoàn điện tử số một của Mỹ General Electric, mới đây cho rằng không thể dự báo khi nào suy thoái kết thúc hoặc tồi tệ tới mức nào, nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã “thiết lập lại nền tảng” cho các công ty làm kinh tế và bản chất chủ nghĩa tư bản. Theo một số nhà phân tích, cuộc khủng hoảng đã đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Reagan - Thatcher (thập niên 1980).

 Khủng hoảng của mô hình tư bản chủ nghĩa khiến nhiều người tìm đọc quyển “Tư bản luận” của Karl Marx.

Tại Anh, chính phủ vừa góp 77% vốn vào Ngân hàng Lloyds để cứu định chế tài chính có lịch sử hơn 300 năm này khỏi nguy cơ phá sản với các khoản nợ xấu lên tới 397 tỉ USD. Một ngân hàng khác cũng được giải cứu là Ngân hàng hoàng gia Scotland (RBS). Thực tế, hai vụ này được xem là quốc hữu hóa lĩnh vực tài chính mà mấy trăm năm qua Anh luôn tự hào về mức độ tự do hóa.

Tại Mỹ, mua lại Merryl Lynch tháng 9 năm ngoái nhưng Bank of America phải xin trợ giúp 25 tỉ USD từ chương trình TARP, một quỹ được thiết lập để cứu các ngân hàng khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Cũng như Lloyds, Bank of America đã tính toán không hết mức độ nguy hại của các khoản nợ xấu. Theo các nhà phân tích, Tổng thống Barack Obama sẽ đi theo con đường ở giữa chủ nghĩa tự do mới mà người tiền nhiệm George Bush theo đuổi tám năm qua với “con đường thứ ba” của Clinton - Blair (thập niên 1990).

Anh đã khởi xướng cuộc cách mạng “tự do thương mại” từ thế kỷ 19. Một thế kỷ sau, vào những năm 1980, dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, cùng với vòng đàm phán GATT, sau này là WTO, “tự do thương mại” trở thành nội dung chính cho toàn cầu hóa. Châu Âu hợp nhất thành EU trong thập niên 1990, trở thành khuôn mẫu của tự do thông thương con người, tài sản, vốn liếng... Cùng với việc mở rộng ra phía Đông và kết nạp các thành viên mới thuộc Đông Âu trước kia, giới chủ ở 10 nước EU ban đầu (tức Tây Âu) đổ xô sang các nước Đông Âu để đầu tư nhằm giảm chi phí sản xuất, thu lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế chính trị châu Âu vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn, bằng cách nào tạo ra năng suất lao động cao hơn và các sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Nếu thiếu nguồn thu từ quá trình tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi phương thức phân phối của cải xã hội chỉ chồng chất thêm nợ quốc gia. Do đó, một số nước Đông Âu đi theo chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ bắt đầu chao đảo trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, làm gia tăng lo ngại rằng sự sụp đổ từ Đông Âu có thể kéo theo cả Tây Âu. Tại một số nước châu Âu (và Mỹ La-tinh) đã xuất hiện xu hướng các đảng xã hội chủ nghĩa “lấn sân” trung hữu, với chủ trương tái quốc hữu hóa, phân phối lại thu nhập theo mô hình phúc lợi xã hội dân chủ.

Từ làm giàu trên thị trường tự do, nay các tập đoàn đa quốc gia sắp phá sản đang trông chờ nhà nước để được “quốc hữu hóa”. Tờ Financial Times nhắc nhở với thái độ cảnh báo rằng cuộc Đại suy thoái những năm 1930 từng làm biến đổi chủ nghĩa tư bản và vai trò của chính phủ nửa thế kỷ sau đó.

Và giờ đây không khí hoài nghi, bi quan, chán nản đang bao trùm cả thế giới tư bản phương Tây.

N.MINH (Theo Guardian, AP, Washingtonpost)

Kỳ 1: Nguồn gốc khủng hoảng Kỳ 2: Giải cứu và những cuộc tranh cãi

Chia sẻ bài viết