31/05/2019 - 13:56

Khủng hoảng chính trị chưa từng có ở Israel 

Sáng 30-5, các nghị sĩ Israel bỏ phiếu giải tán Quốc hội, không lâu sau khi hạn chót để Thủ tướng Benjamin Netanyahu thành lập chính phủ liên minh trôi qua.

Thủ tướng Netanyahu (trái) và ông Lieberman. Ảnh: Times of Israel

Thủ tướng Netanyahu (trái) và ông Lieberman. Ảnh: Times of Israel

Với 74 phiếu thuận và 45 phiếu chống, kiến nghị giải tán Quốc hội đã mở đường cho cuộc bầu cử mới tại Israel, dự kiến vào ngày 17-9 tới. Sự kiện trên đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước này buộc phải tổ chức tổng tuyển cử lần hai do không thể thành lập chính phủ sau một cuộc bầu cử sớm. Trong cuộc bầu cử trước thời hạn ngày 9-4 vừa qua,  đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu được sự hậu thuẫn của 60/120 ghế Quốc hội, thiếu 1 ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị trên, nhưng mọi chú ý đều đổ dồn về cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman - lãnh đạo đảng thế tục Yisrael Beiteinu và người từng là trợ lý của ông Netanyahu. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Netanyahu đã tức giận đổ lỗi ông Lieberman là nguyên nhân khiến chính phủ liên minh không thể thành lập. Tháng rồi, Yisrael Beiteinu giành được 5 ghế và trở thành “kẻ tạo vua”. Tuy nhiên, ông Lieberman lại từ chối tham gia chính phủ liên minh do bất đồng sâu sắc với các đảng người Do Thái chính thống trong liên minh của vị thủ tướng 69 tuổi xung quanh luật nghĩa vụ quân sự, trong đó bắt buộc sinh viên Do Thái chính thống phải tham gia quân đội. Lieberman giải thích rằng ông ủng hộ Thủ tướng Netanyahu, song không chấp nhận thỏa hiệp với các đảng tôn giáo về luật nghĩa vụ quân sự nói trên. Thủ tướng Israel gọi quan điểm này là “một trò bịp bợm”. Phần lớn thanh niên Do Thái 18 tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong hơn 2 năm. Tòa án Tối cao Israel đặt ra hạn chót để thay thế luật nghĩa vụ quân sự là cuối tháng 7 tới. Hiện cũng có nhiều đồn đoán rằng động cơ đằng sau sự chống đối của Lieberman là ông này muốn gây chú ý hoặc trả đũa những lần bị coi thường trước đây hoặc tự coi mình là người thay thế Thủ tướng Netanyahu.

Không thể thành lập chính phủ liên minh đúng thời hạn, ông Netanyahu phải tìm cách tránh kết quả có thể xấu hơn. Đó là Tổng thống Reuven Rivlin- người mà ông Netanyahu xem là “kẻ thù”- có thể trao cơ hội thành lập chính phủ cho nhân vật khác, nhiều khả năng là thủ lĩnh đối lập Benny Gantz của đảng Xanh dương và Trắng. Do vậy để ngăn chặn kịch bản này, Quốc hội đã tự giải tán trước khi ông Rivlin hành động.

Thế nhưng, biến động chính trị trên lại đánh dấu bước lùi của Thủ tướng Netanyahu và đẩy tương lai của ông vào mớ hỗn độn. Những rắc rối pháp lý hiện đeo bám vị thủ tướng này, bao gồm các cáo buộc nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm trong 3 vụ tham nhũng, đã đe dọa cơ hội thành lập chính phủ mới cũng như làm suy yếu khả năng mặc cả của ông trong các cuộc đàm phán trong liên minh.

Thất bại trong việc thành lập chính phủ mới cũng nhấn chìm cả kế hoạch thông qua dự luật nhằm giúp ông Netanyahu được miễn truy tố khi đương nhiệm.

Thậm chí nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhiều khả năng Thủ tướng Netanyahu vẫn không thể thành lập chính phủ và không có được sự ủng hộ chính trị cần thiết cho thỏa thuận miễn trừ trước khi bị truy tố. Điều này sẽ buộc ông phải hầu tòa và chịu nhiều sức ép từ chức. Sau cuộc bầu cử hồi tháng rồi, ông Netanyahu lẽ ra đảm nhiệm vai trò thủ tướng Israel nhiệm kỳ thứ năm và vượt qua nhà lập quốc David Ben-Gurion để trở thành vị thủ tướng lâu năm nhất của Israel. Ông từng giữ chức Thủ tướng giai đoạn 1996-1999 và đắc cử lần thứ hai vào năm 2009.

THANH BÌNH (Theo NY Times, AFP)

Chia sẻ bài viết