04/05/2008 - 09:54

Không chốn nương thân!

 Rukhma và đứa con (với người chồng ở Pakistan) sinh ra trong trại giam ở tỉnh Nangarhar.

Bị bắt cóc qua biên giới cùng cậu con trai 3 tuổi, Rukhma bị bán cho một người Afghanistan. Sống với người này, Rukhma không những thường xuyên bị cưỡng bức và bạo hành mà còn đau đớn chứng kiến trong tuyệt vọng cảnh đứa con thơ dại bị y đánh đến chết. Kẻ sát nhân lãnh án 20 năm tù. Trớ trêu thay, Rukhma cũng chịu chung số phận.

Rukhma không nhớ mình bao nhiêu tuổi, nhưng trông cô chưa đến 20. Người thiếu phụ này cam chịu cảnh ngược đãi suốt 3 tháng trời trước khi cầu cứu chính quyền địa phương vào mùa hè năm ngoái. Nhưng thay vì được pháp luật bảo vệ, Rukhma lại bị kết án 4 năm tù vì tội ngoại tình và “trốn khỏi nhà” ở Pakistan.

Từ khi chính quyền Taliban sụp đổ cách đây 7 năm, phụ nữ Afghanistan được hưởng nhiều quyền “mới” như được đi học, làm việc và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, ngoại trừ tầng lớp trung lưu ở thành thị, những chị em trốn chạy nạn bạo hành gia đình hoặc lên tiếng tố cáo kẻ cưỡng hiếp mình khi ra tòa thường bị quy là có tội.

Tại nhiều địa phương, nơi luật lệ hà khắc của thời Taliban vẫn còn ăn sâu bám rễ, phụ nữ tự ý bỏ nhà đi luôn bị nghi là có nhân tình, và có thể bị truy tố vì tội ngoại tình mặc dù bộ luật hình sự Afghanistan không qui định tội danh này. Ngay cả Abdul Qayum, công tố trưởng ở tỉnh Nangarhar, phía Tây Thủ đô Kabul, người đang thụ lý đơn kháng án của Rukhma, cho rằng nếu vợ ông đi chợ mà chưa có sự cho phép của ông thì ông cũng khó mà tha mạng! “Đó là văn hóa của chúng tôi”, Qayum tuyên bố.

Theo thống kê của Ủy ban nhân quyền độc lập Afghanistan, năm ngoái có 2.374 phụ nữ khiếu kiện hành vi bạo hành gia đình, so với con số 1.651 của năm 2006 - một dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều nạn nhân bạo hành tìm kiếm sự giúp đỡ. Kamala Janakiram, một quan chức nhân quyền LHQ ở Đông Afghanistan cho biết trong khoảng 80% trường hợp mà cô biết, nạn nhân bạo hành khi khiếu kiện luôn bị buộc tội “trốn khỏi nhà”. Trong khi đó, Văn phòng chống Ma túy và Tội phạm LHQ cho biết nhiều nạn nhân bị hãm hiếp lại bị buộc kết hôn với kẻ hại đời mình, nếu không thì phải ở tù vì tội ngoại tình, bởi việc chứng minh hành vi đồi bại đó là chuyện gần như không thể.

Nỗi khiếp sợ phải quay lại sống với người chồng hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đã đẩy không ít chị em đi đến quyết định tự kết liễu đời mình. Janakiram dẫn chứng trường hợp một thiếu phụ ở tỉnh Laghman bị chồng bắn suýt chết. Nạn nhân nộp đơn xin ly dị nhưng tòa án địa phương không giải quyết vì cho rằng đây là trách nhiệm của các vị trưởng lão trong bộ tộc của cô. Quá phẫn uất khi bị buộc phải tái hợp với người chồng bạo hành, cô đã tự thiêu trước tòa án vào cuối tháng Giêng vừa qua. Orzala Ashraf, nhà hoạt động vì nữ quyền ở Afghanistan cho rằng các thủ lĩnh bộ tộc thường hòa giải theo hướng đoàn tụ và khi quay về gia đình, nguyên đơn cho dù yên thân với chồng cũng khó mà sống nổi với anh em chú bác vì “tội” làm bại hoại gia phong. “Cô ấy sẽ tủi nhục hơn trước bởi đã vi phạm gia quy: không bao giờ được bàn chuyện trong nhà ngoài gia tộc”, Ashraf nói.

TUYẾT HỒNG (Theo AP)

TUYẾT HỒNG (Theo AP)

Chia sẻ bài viết