01/05/2018 - 10:10

Khi siêu thị nói không với túi nhựa 

Cùng chung nỗ lực bảo vệ môi trường, các chuỗi siêu thị lớn tại Hàn Quốc và Anh mới đây thông báo sẽ giảm sử dụng túi nhựa trong khi khuyến khích dùng túi mua sắm làm từ vật liệu tái chế.

Theo Korea Herald, 5 chuỗi siêu thị giảm giá lớn ở Hàn Quốc gồm E-mart, Lotte Mart, Homeplus, Hanaro Mart và Mega Mart vừa quyết định tham gia chiến dịch trên qui mô toàn quốc của Bộ Môi trường nhằm giảm số lượng rác thải nhựa. Thật ra, đây là “phiên bản” mở rộng của một chiến dịch tương tự hồi năm 2010, khi Bộ Môi trường Hàn Quốc cùng 350 cửa hàng thuộc 5 chuỗi siêu thị này cam kết sẽ thúc đẩy văn hóa mua sắm thân thiện với môi trường bằng cách giảm dùng túi nhựa.

Còn trong chiến dịch mới nhất, E-mart cho biết sẽ giảm 50% việc sử dụng túi nhựa ở tất cả 145 cửa hàng trong hệ thống, cũng như dần loại bỏ việc dùng túi nhựa tại các gian bán trái cây và rau củ. Họ cũng sẽ cải thiện bao bì sản phẩm và tăng sử dụng các khay và túi đựng có thể tái chế. Để bắt đầu chiến dịch, E-mart sẽ chỉ cung cấp các túi nhựa nhỏ được họ dự đoán sẽ giúp giảm chi phí khoảng 180 triệu won (167.000 USD). Trước đó, thông qua chiến dịch thân thiện với môi trường phát động từ năm 2009, E-Mart đã tiết kiệm được ít nhất 60 triệu túi nhựa và 3 tỉ won.

Tương tự, Lotte Mart và Homeplus đang bán hoặc cho mượn túi mua sắm để khuyến khích dùng túi tái sử dụng thay vì túi ni lông xài một lần. Theo đó, khách hàng có thể mượn một túi mua sắm và đặt cọc 3.000 won tại quầy tính tiền, sau đó được hoàn lại tiền lúc trả túi. Theo số liệu hồi năm 2015, một người Hàn Quốc mang về 420 túi nhựa/năm - gấp 6 lần so với ở Đức và gấp 105 lần ở Phần Lan.

Các siêu thị Anh sẽ loại bỏ các sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần vào năm 2025. Ảnh: Web Top News

Chính quyền Thủ đô Seoul hiện có kế hoạch tăng cường xử lý đối với những cửa hàng phát miễn phí túi nhựa. Theo đó, bất kỳ cửa hàng nào có diện tích sàn lớn hơn 33 m2 - kể cả các tiệm thuốc và cửa hàng tiện lợi - sẽ được kiểm tra. Những chủ doanh nghiệp vi phạm sẽ đối mặt với mức tiền phạt lên đến 300.000 won. “Chúng tôi sẽ tăng cường các chiến dịch kêu gọi người dân sử dụng túi và hộp đựng bằng giấy, cũng như xử phạt các cơ sở cung cấp túi nhựa miễn phí”, một quan chức Seoul cho biết. Thành phố cũng dự định yêu cầu các doanh nghiệp lớn - như các trung tâm phân phối, nhà sách và cửa hàng bách hóa - hạn chế nhập khẩu túi nhựa đen và yêu cầu khách hàng dùng túi hoặc hộp giấy. Được biết, túi nhựa chiếm hơn 1/3 số rác thải tái chế của Seoul.

Trong khi đó, các siêu thị lớn tại Anh vừa cam kết sẽ loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần và “không cần thiết” vào năm 2025 - theo thỏa thuận mới. Theo thỏa thuận này, sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ chỉ được phép sử dụng nếu được coi là hoàn toàn cần thiết và được làm từ vật liệu có thể tái chế. Đây là nỗ lực hợp tác của các công ty tiêu dùng lớn nhất xứ sương mù nhằm giải quyết mối họa mà rác thải nhựa đặt ra với môi trường.

Có hơn 40 công ty đã cam kết trong vòng 7 năm tới, tất cả bao bì nhựa mà họ sản xuất sẽ được tái sử dụng, tái chế hoặc có thể phân hủy, trong khi 2/3 sẽ được tái chế hoặc làm phân trộn - tăng từ mức hiện nay là 45%. Tương tự, nhiều nhãn hàng thực phẩm lớn trong đó có Nestlé, Coca-Cola, Bird’s Eye, Britvic và Arla cũng cam kết sẽ loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết và tiến tới thay đổi hoàn toàn bao bì của họ. “Tham vọng của chúng tôi về việc loại bỏ chất thải nhựa sẽ chỉ được thực hiện nếu như chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng làm việc cùng nhau” - Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove cho biết.

Theo ghi nhận từ các nhà khoa học, trong 65 năm qua, con người đã tạo ra 8,3 tỉ tấn chất dẻo, tương đương với trọng lượng của hơn 820.000 tháp Eiffel hay 80 triệu con cá voi. 6,3 tỉ tấn trong tổng số chất dẻo được sản xuất ra đã trở thành chất thải và chỉ có 9% được tái chế.

ĐÔNG PHONG (Theo SCMP, Telegraph)

Chia sẻ bài viết