12/02/2012 - 09:01

Khẩu chiến Anh - Argentina

Ảnh: Getty Images 

Căng thẳng giữa Argentina và Anh đang leo thang khi Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman hôm 10-2 gửi khiếu nại chính thức đến Liên Hiệp Quốc (LHQ) cáo buộc Luân Đôn triển khai vũ khí hạt nhân gần quần đảo Malvinas (phía Anh gọi là Falklands) và “quân sự hóa” khu vực Nam Đại Tây Dương.

Trong khiếu nại của mình, Buenos Aires chỉ ra các căn cứ quân sự của Anh trong khu vực và cho rằng sự hiện diện của chúng là mối đe dọa cho toàn Nam Mỹ. Ngoại trưởng Timerman cho biết theo thông tin tình báo nước ông ghi nhận, Anh đang triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Vanguard tại khu vực này. Trong khi đó, đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant nói rằng Luân Đôn không bình luận về việc bố trí các vũ khí hay tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, ông cho rằng “thật buồn cười” khi nói Anh đang quân sự hóa khu vực trên. Ông nhấn mạnh quan điểm quốc phòng của Luân Đôn vẫn không thay đổi và sẽ “mạnh mẽ” bảo vệ Falklands nếu cần thiết. Báo Daily Mail (Anh) cho biết vừa qua, Luân Đôn có triển khai tới đây một tàu ngầm hạt nhân lớp Trafalgar nhưng chỉ trang bị các vũ khí thông thường.

Ngoại trưởng Timerman cho rằng việc điều động tàu ngầm hạt nhân là vi phạm Hiệp ước Tlatelolco về cấm vũ khí hạt nhân tại Mỹ La-tinh và vùng Caribbe. Cách đây vài ngày, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner cũng đã lên án việc Luân Đôn gửi tàu khu trục hiện đại HMS Dauntless (ảnh) đến thay thế hạm đội cũ và chuyến đi của Hoàng tử William trong vai trò phi công của Không quân Hoàng gia Anh đến quần đảo tranh chấp là hành động khiêu khích.

Tuy nhiên, Anh bác bỏ các cáo buộc của Argentina và cho rằng việc triển khai tàu chiến đến khu vực trên hoàn toàn theo thông lệ. Người phát ngôn của Thủ tướng David Cameron hôm 8-2 nói rằng “Không cần thiết chúng tôi phải tăng cường hiện diện quân sự hoặc gia tăng khí tài quân sự tại quần đảo Falklands. Chúng tôi đã có hàng loạt trang thiết bị ở đó”. Người phát ngôn cũng nhấn mạnh Anh có những kế hoạch để sẵn sàng đối phó các tình huống bất ngờ khi xảy ra hành động quá khích xâm phạm vùng lãnh thổ tự trị của Anh tại hải ngoại.

Sau khi nhận khiếu nại của Argentina, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị chính phủ hai nước tránh “leo thang” tranh chấp và kêu gọi giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình, thông qua đối thoại. Đại sứ Grant thì cho rằng nước ông sẵn sàng đàm phán song phương với Buenos Aires về bất kỳ vấn đề gì trừ chủ quyền quần đảo Falklands.

Buenos Aires luôn cho rằng quần đảo Malvinas, cách bờ biển Patagonia của nước này khoảng 480 km, nơi có diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, là lãnh thổ của Argentina bị Anh chiếm đóng từ năm 1833. Năm 1982, tranh chấp chủ quyền dẫn đến cuộc chiến tranh kéo dài 10 tuần giữa hai nước và quốc gia Nam Mỹ thất bại. Argentina luôn đề nghị Anh xúc tiến các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp quần đảo giàu dầu lửa này. Tuy nhiên, chính phủ Anh từ chối yêu cầu đó và cho rằng vấn đề chủ quyền là do chính người dân đảo quyết định và “họ đã chọn Anh”. Ngoài ra, Luân Đôn cũng khẳng định Hiệp ước Lisbon của Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận quần đảo Falklands là lãnh thổ hải ngoại của Anh.

Quan hệ Argentina - Anh lại trở lạnh vào năm 2010 khi các công ty dầu khí xứ sở sương mù bắt đầu khoan tìm “vàng đen” tại quần đảo này, khiến Buenos Aires đóng băng quan hệ ngoại giao và thương mại với Luân Đôn. Căng thẳng càng gia tăng khi các động thái quân sự vừa qua của Anh diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 30 năm cuộc chiến tại Falklands.

THUẬN HẢI
(Theo Guardian, Reuters, RTTNews)

THUẬN HẢI (Theo Guardian, Reuters, RTTNews)

Chia sẻ bài viết