23/05/2024 - 08:40

Israel bị cô lập vì cuộc chiến ở Gaza 

Việc Trưởng công tố Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan thông báo đang xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant là bằng chứng mới nhất cho thấy Israel đang nhanh chóng trở thành quốc gia bị bài xích vì xung đột ở Dải Gaza.

Israel gắn kết sâu sắc với thế giới thông qua thương mại, đầu tư, du lịch cũng như các mối quan hệ về văn hóa, học thuật và khoa học. Ảnh: Arabian Business

Lệnh bắt giữ tiềm tàng của ICC không chỉ phá hỏng kế hoạch công du của Thủ tướng Netanyahu, nó cũng phơi bày những thách thức mà Israel phải đối mặt khi cuộc xung đột kéo dài gần 8 tháng qua ở Gaza đang hứng chịu ngày càng nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Sự quở trách này đã thúc đẩy một phong trào cô lập Israel ở phần lớn các nước phương Tây, nếu không phải về mặt kinh tế thì cũng về mặt tâm lý và đạo đức thông qua các cuộc tẩy chay học thuật và nghệ thuật.

Hồi giữa tháng 5, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dọa sẽ ngừng cung cấp một số vũ khí cho Israel nếu quốc gia đồng minh này tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở Gaza, ông Netanyahu tuyên bố Tel Aviv sẽ “tự lực cánh sinh”. Nhưng đó chỉ là lời hứa suông bởi ngành công nghiệp vũ khí của Israel dù có quy mô lớn và công nghệ tinh vi, song vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của đất nước về những thứ cơ bản như máy bay chiến đấu, tàu ngầm và bom. Cuộc chiến nhằm xóa sổ phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza, vốn đã tiêu hao lượng lớn đạn dược do Washington cung cấp, chỉ làm tăng thêm sự phụ thuộc đó. Nếu còn phải đối đầu với lực lượng Hezbollah ở nước láng giềng Lebanon, Israel sẽ cần thêm vũ khí của Mỹ.

Tương tự như lĩnh vực công nghệ cao, cộng đồng học thuật của Israel cũng được toàn cầu hóa và họ sẽ phải vật lộn để cạnh tranh trong một thế giới nơi các tạp chí khoa học từ chối các tài liệu nghiên cứu, các học giả không được chào đón tại những hội nghị và bị chặn tiếp cận các khoản tài trợ, học bổng. Có báo cáo cho rằng cuộc tẩy chay này đang diễn ra một cách thầm lặng và hiệu quả.

 HẠNH NGUYÊN (Theo Foreign Policy)

 

Chia sẻ bài viết