26/03/2019 - 19:30

Indonesia hiện thực giấc mơ tàu điện ngầm 

Indonesia vừa khai trương tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở thủ đô Jakarta, dự án giao thông nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe nổi tiếng tại một trong những thành phố nhộn nhịp nhất Đông Nam Á.

  Tổng thống Indonesia Widodo (thứ tư, từ phải sang) và các quan chức tại lễ khánh thành ngày 24-3. Ảnh: Japan Times

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và nhiều thành viên nội các đã đến dự lễ khánh thành tuyến tàu điện ngầm trên ngày 24-3, đánh dấu giấc mơ 34 năm của người dân xứ vạn đảo cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Tuyến metro này nối trung tâm thành phố với khu thương mại sầm uất Lebak Bulus ở phía Nam Jakarta. Hệ thống dài 16km, đi qua 7 nhà ga trên cao và 6 nhà ga ngầm. Dự kiến nó sẽ vận chuyển 170.000 hành khách/ngày. Trong tuần đầu tiên mở cửa, tính từ ngày 25-3 người dân được miễn phí giá vé. Với tuyến tàu điện ngầm mới, thời gian đi lại giữa hai điểm nói trên rút ngắn từ khoảng 2 tiếng xuống còn 30 phút. Từ ngày khai trương đến hết tháng 4, tàu hoạt động từ 5h-22h30 với 8 chiếc phục vụ. Sau đó, lịch chạy mỗi ngày và số lượng tàu phục vụ sẽ được nâng lên thành 5h-0h và 14 chiếc. Mỗi tàu điện ngầm có thể chở 1.950 hành khách, đạt vận tốc 80km/h đối với những đoạn trên cao và 100km/h khi chui hầm.

Công trình trên đưa vào sử dụng sau gần 6 năm xây dựng bằng nguồn kinh phí 1,1 tỉ USD vay từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Thành phố Jakarta sẽ trả 51% khoản vay trên, trong khi phần còn lại sẽ do chính quyền trung ương thanh toán.

Jakarta là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, với hơn 10 triệu người và khoảng 1,4 triệu người khác từ các vùng ngoại ô đổ về trung tâm thành phố vào những ngày trong tuần. Nhờ thu nhập tăng cao, ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu ở quốc gia 260 triệu dân này mua xe để đi lại (mỗi năm số lượng xe cơ giới tăng 8,1%). Điều này cộng với khó khăn trong việc tiếp cận giao thông công cộng và lũ lụt đã gây nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở Jakarta. Theo Bộ Giao thông Indonesia, vận tốc trung bình trong giờ cao điểm tại thành phố này là 10km/h, thậm chí một số khu vực người tham gia giao thông phải mất ít nhất 2 tiếng để vượt qua đoạn đường chỉ 5km. JICA dự báo nếu Jakarta không đầu tư lớn vào giao thông, thì đến năm 2020 thành phố sẽ bị nạn kẹt xe bóp nghẹt.

Ngoài việc giảm tình trạng kẹt xe trong thành phố, tuyến metro mới còn được kỳ vọng sẽ cắt giảm khoảng 50% lượng khí thải carbon từ khí thải động cơ. Trái với sự háo hức của người dân, một số nhà phân tích giao thông lo ngại tuyến metro mới và giá vé rẻ (khoảng 16.000-23.000 VNĐ/lượt khách) sẽ không trị dứt “căn bệnh” kẹt xe ở nơi mà người dân mê sử dụng các phương tiện cá nhân. “Tàu điện ngầm sẽ không sớm giải tỏa nạn ách tắc giao thông vì không dễ thay đổi văn hóa và thái độ của người dân”- chuyên gia Hendi Bowoputro tại Đại học Brawijaya nhận định trước khi tuyến metro mới được mở. Tổng thống Widodo thừa biết điều này, nên tại lễ khánh thành ông đã kêu gọi người dân Jakarta cố gắng thích nghi với văn hóa giao thông tàu điện ngầm khá mới mẻ. Theo ông, mọi người không nên xả rác trong tàu điện ngầm và nhà ga, phải đứng xếp hàng trật tự và đúng giờ.

Thật ra, dự án tàu điện ngầm này đã được ấp ủ từ năm 1985 khi Indonesia dưới thời cựu Tổng thống Suharto. Tuy nhiên, việc xây dựng gặp trở ngại do xảy ra các cuộc khủng hoảng chính trị, thói quan liêu và bất đồng về kinh phí xây dựng. Mãi đến tháng 10-2013, công trình mới chính thức khởi công, khi đó ông Widodo là thị trưởng Jakarta.

Vài phút sau khi khánh thành tuyến tàu điện ngầm trên, nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tiếp tục chủ trì lễ động thổ giai đoạn 2 của dự án metro: tuyến Bắc-Nam Jakarta dài 8km. Tuyến tàu điện ngầm này khi hoàn thành vào năm 2024 dự kiến sẽ đưa rước 433.000 hành khách/năm. Ngoài ra, tuyến metro Đông-Tây dài 87km cũng sẽ được khởi công trong năm nay và dự kiến sẵn sàng hoạt động trong năm 2026.

Các dự án trên đây nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể hệ thống giao thông công cộng kết nối của chính quyền ông Widodo để giải bài toán kẹt xe ở Jakarta và các vùng lân cận vốn gây tổn thất kinh tế lên tới 5 tỉ USD/năm. Hệ thống bao gồm tàu điện ngầm, hệ thống vận tải trên đường ray nhẹ (LRT), xe buýt nhanh (BRT) và xe lửa đến sân bay. Giới chức Indonesia hy vọng dự án trị giá hơn 40 tỉ USD này sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm tới. Theo chính quyền Jakarta, trong tương lai thành phố sẽ có 223km đường ray tàu điện ngầm, 116km đường LRT và mạng lưới BRT hơn 2.100km.

THANH BÌNH (Theo Bloomberg, AFP)

Chia sẻ bài viết