20/10/2008 - 08:45

Hợp lực giải cứu hệ thống tài chính toàn cầu

Tổng thống Mỹ Bush (giữa) cùng người đồng cấp Pháp Sarkozy (trái) và Chủ tịch EC Barroso hôm 18-10. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp ngày 18-10 tại Trại David, Tổng thống Mỹ George Bush, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhất trí sẽ tổ chức một loạt hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Hội nghị đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 11, ngay sau bầu cử tổng thống Mỹ. Thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định này, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đề xuất tổ chức hội nghị tại Ban thư ký LHQ để tăng thêm “sức nặng” cho các giải pháp được đưa ra.

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sẽ xem xét những tiến bộ đạt được trong việc làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng, đồng thời đề ra những cải cách cần thiết để tránh lặp lại cú sốc như vậy và bảo đảm sự thịnh vượng toàn cầu trong tương lai. Các nhà lãnh đạo châu Âu chủ trương xem xét lại toàn bộ hệ thống Bretton Woods vốn chi phối nền tài chính thế giới từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, và khởi động một hệ thống mới. Cụ thể, họ muốn cải tổ hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hai “sản phẩm” chính của hệ thống Bretton Woods. Thật ra, để duy trì sự phát triển bền vững của kinh tế thế giới thì mục tiêu cải tổ không chỉ là WB và IMF mà còn có các tổ chức lớn khác như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7)... Nói cách khác, EU đề xuất xây dựng “chủ nghĩa tư bản điều chỉnh” nhằm thích ứng với tình hình mới.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, EU, mà đặc biệt là Anh, được đánh giá cao nhờ đưa ra những sáng kiến khả thi, kịp thời ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Tuy tổng GDP của ba nền kinh tế lớn nhất EU (Đức, Anh và Pháp) gộp lại chỉ là 8.600 tỉ USD, chưa bằng 2/3 so với mức 13.800 tỉ USD của Mỹ, nhưng họ lại dễ dàng chi hơn 2.000 tỉ USD cứu hệ thống tài chính (riêng Anh là 870 tỉ USD), trong khi Mỹ gian nan lắm mới thông qua được gói cứu trợ trị giá 700 tỉ USD. Nga, quốc gia không phải thành viên EU, cũng đang xem xét cho Iceland vay 5,5 tỉ USD để giúp nước này vượt qua khủng hoảng.

Tại châu Á, hôm qua 19-10, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói trợ giúp 100 tỉ USD dành cho các ngân hàng nước này. Trước đó, vào đầu tháng 10, Seoul cũng đề xuất thành lập một quỹ chung trị giá 80 tỉ USD giữa 10 nước thành viên ASEAN cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bên cạnh các quốc gia và tổ chức quốc tế còn có một cá nhân đang góp phần làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đó là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Cuối tuần rồi, người giàu nhất thế giới (tính đến đầu tháng 10-2008, tài sản của Buffett là 58 tỉ USD, vượt qua 55,5 tỉ USD của Bill Gates) tuyên bố bắt đầu mua vào cổ phiếu. Mới đây, ông đã đầu tư 5 tỉ USD vào ngân hàng Goldman Sachs và 3 tỉ USD vào tập đoàn công nghiệp General Electric. Dĩ nhiên, mục tiêu của Buffett trong các thương vụ đó là lợi nhuận, nhưng trong bối cảnh hiện nay nó như một “phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.

LÊ DÂN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết