28/06/2010 - 22:01

Hôn nhân viên mãn dưới góc nhìn khoa học

Ảnh: Skynews

Từ kinh nghiệm của bản thân, Tara Parker-Pope – cây bút viết cho tờ New York Times (Mỹ) và là tác giả quyển “The Science of a Good Marriage” (Khoa học của hôn nhân viên mãn) vừa mới phát hành – cho rằng việc am hiểu khía cạnh khoa học của đời sống hôn nhân giúp chúng ta nhìn thấy trước đâu là những mối quan hệ vững bền theo năm tháng, và những ai sẽ chật vật trong hành trình lèo lái con thuyền hôn nhân đến bến bờ hạnh phúc.

Hôn nhân của bạn thuộc dạng nào?

Sau 30 năm nghiên cứu tình trạng ly hôn ở Mỹ, giáo sư tâm lý E. Mavis Hetherington của Đại học Virginia nhận diện ra 5 hình thái hôn nhân. Theo đó, hôn nhân gắn kết và hôn nhân truyền thống có nhiều khả năng bền vững theo thời gian nhất. Ba dạng còn lại: hôn nhân “kẻ theo đuổi – người xa lánh”, hôn nhân “mạnh ai nấy sống” và hôn nhân “kịch tính” dễ đẩy người trong cuộc đến bờ vực tan vỡ.

Trong số những kiểu hôn nhân vừa kể, theo Hetherington, hôn nhân gắn kết có tỷ lệ ly hôn thấp thứ hai. Vợ chồng không cần phải bên nhau suốt ngày như hình với bóng nhưng tình cảm dường như bền chặt. “Dạng hôn nhân này đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn để vợ chồng tìm về sau một ngày làm việc, cùng giúp nhau phục hồi sức lực, động viên, yêu thương và chia sẻ với nhau”, Hetherington đúc kết.

Bền vững và ít chia ly nhất là dạng hôn nhân truyền thống, trong đó chồng đóng vai trò trụ cột tài chính và vợ ở nhà quán xuyến việc gia đình. Để dạng hôn nhân kinh điển này thăng hoa, Hetherington cho rằng hai đối tác nên hài lòng và thực hiện tốt vai trò của mỗi người và nên tôn trọng nhau.

Ở dạng hôn nhân “kẻ theo đuổi, người lãng tránh”, Hetherington nhận thấy 80% trường hợp, “kẻ theo đuổi” là vợ - người luôn sẵn sàng đối mặt và thảo luận những vấn đề phát sinh. Trong khi đó, người chồng có xu hướng rút vào vỏ ốc của mình, né tránh đối đầu. Khi bất đồng xảy ra, trong khi vợ có xu hướng nói cho ra ngô ra khoai thì chồng lại lảng tránh bằng cách chú tâm đọc báo, xem ti-vi hoặc đơn giản bước ra ngoài nhìn trời ngắm đất. Kết cuộc, “người né tránh” mệt mỏi vì bị cằn nhằn suốt ngày rồi cáu giận. Còn “kẻ theo đuổi” cũng cảm thấy chán ngấy bầu không khí im lặng và dần rút vào thế giới của mình.

Trong khi đó, hôn nhân không ràng buộc gắn kết 2 cá thể độc lập – “vốn không sợ hoặc không cần xác lập quan hệ thân mật để đạt được cảm giác viên mãn”. Những cặp sống với nhau theo kiểu “nước sông không đụng nước giếng” ít khi cãi vã vì trên thực tế họ thường không cảm thấy cần có nhau trong sinh hoạt thường ngày.

Hết thăng rồi lại trầm là đặc trưng của hôn nhân “kịch tính”. Những cặp này khắc nhau như lửa với nước và “cuộc chiến” thường được giải quyết trên giường. Theo Hetherington, những đôi “oan gia” như vậy lại có đời sống phòng the viên mãn nhất. Tuy nhiên, kiểu sống chung căng thẳng như đánh trận dễ dẫn đến kết cục gãy đổ khi một trong hai người cảm thấy tổn thương. Kiểu hôn nhân này thường chấm dứt khi một bên, thường là chồng, nhận thấy tình yêu chết dần sau những trận “sống mái”.

Bạn và bạn đời của mình tương tác với nhau như thế nào?

Khi nghiên cứu về hôn nhân thời nay, các chuyên gia thường xoáy vào khía cạnh tương tác giữa hai nhân vật chính. Các nhà khoa học ghi hình hàng nghìn cuộc trao đổi giữa các cặp vợ chồng và sử dụng phần mềm giải mã chuyên dụng để phân tích sự giao tiếp giữa họ. Dưới đây là một số kiểu tương tác có nguy cơ khiến hôn nhân không hạnh phúc và tan vỡ.

Né tránh xung đột. Những cặp vợ chồng có thói quen tránh đối đầu nghĩ đơn giản rằng họ đang tạo bầu không khí yên bình trong gia đình. Tuy nhiên, thực tế họ đang khiến hôn nhân của mình lâm nguy. Các nhà nghiên cứu theo dõi cuộc sống của các cặp vợ chồng trong vòng 3 năm. Thời gian đầu, những đôi hiếm khi “khẩu chiến” đạt mức độ hạnh phúc trong hôn nhân cao nhất. Với họ, hôn nhân hạnh phúc đồng nghĩa với hạn chế xung đột đến mức thấp nhất có thể.

Thế nhưng 36 tháng sau, tình hình lại đổi khác khá nhiều. Những cặp hay cãi vã lúc mới tham gia nghiên cứu cho biết họ ngày càng cảm thấy hài lòng về nhau. Họ tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khác biệt và cảm thấy thõa mãn với tình cảm dành cho nhau. Còn những đôi lúc đầu êm ấm thì sao? Ba năm sau, nhiều người trong số họ đã dắt nhau ra tòa. Hetherington cho rằng với việc im lặng chịu đựng và né tránh xung đột khi mâu thuẫn nảy sinh, họ đã bỏ lỡ những cơ hội quí báu để nuôi dưỡng và phát triển cuộc hôn nhân của mình.

Tỏ vẻ xem thường. Những biểu hiện không tôn trọng nhau khi vợ chồng giao tiếp là bằng chứng cho thấy hôn nhân đang có vấn đề nghiêm trọng. Thái độ khinh miệt bạn đời có thể thể hiện qua lời nói và hành động, chẳng hạn không nhìn vào mắt nhau khi trò chuyện. Xưng hô mày tao, văng tục và làm mất mặt hoặc lăng mạ cũng là dấu hiệu coi thường người đầu ấp tay gối. Chuyên gia tâm lý Mỹ, tiến sĩ John Gottman nổi tiếng về nghiên cứu sự bền vững trong hôn nhân, cho rằng thái độ coi thường là một trong những điềm báo đáng tin cậy về kết cục “đôi ngã chia ly”.Vỡ mộng và thất vọng. Những cảm giác rằng cuộc hôn nhân không như mình kỳ vọng hoặc cảm giác thất vọng sao cuộc sống mình lại ra nông nổi này là dấu hiệu cảnh báo hôn nhân sắp chết yểu. Một nghiên cứu của Đại học Texas đối với 153 cặp vợ chồng mới cưới nhận thấy cảm giác vỡ mộng vào thời kỳ đầu của cuộc hôn nhân là điềm báo về nguy cơ cao “tan đàn xẻ nghé”.

Ám ảnh chữ “D” (Divorce – Ly hôn). Vào thập niên 1980, nhóm nghiên cứu thuộc 3 trường đại học của Mỹ bắt đầu theo dõi cuộc sống của 2.000 phụ nữ và nam giới liên tục trong 12 năm khi họ trải qua nhiều giai đoạn: kết hôn, ly hôn và tái hôn. Các nhà khoa học phát hiện một dấu hiệu hiển nhiên báo trước kết cuộc chia ly trong tương lai. Theo đó, phụ nữ và nam giới lúc đầu hay nghĩ về ly hôn có nguy cơ ly dị cao gấp 9 lần vào giai đoạn cuối của nghiên cứu. Việc để chữ “D” chi phối suy nghĩ mình cho thấy bạn sẵn sàng đón nhận nó và điều này dẫn đến viễn cảnh bạn lái cuộc hôn nhân của mình đi theo chiều hướng “xấu” này.

Tác giả Tara Parker-Pope đúc kết: hôn nhân thành công hay thất bại không bao giờ do một yếu tố đơn lẻ quyết định. Hầu hết các cuộc hôn nhân không kết thúc ở tòa án. Và đa số chúng ta đều hướng tới mối quan hệ ổn định và đôi bên hài lòng về nhau ở mức tương đối - dạng hôn nhân này có khả năng cải thiện hơn nữa. Nhưng một cuộc hôn nhân “khỏe mạnh” đòi hỏi hai người trong cuộc phải chung tay dốc sức vun đắp và nuôi dưỡng. Và đừng quên những mâu thuẫn nhỏ nhặt nếu không giải quyết lâu ngày tích tụ có thể đánh chìm con thuyền hôn nhân, và hôn nhân hạnh phúc sẽ ngày càng bền vững qua những điều chỉnh nhỏ, tích cực và xuyên suốt trong quá trình chung sống.

Không chung thủy. Viện Guttmacher (Mỹ) từng thực hiện nghiên cứu với hơn 2.500 nam và nữ trong độ tuổi 18-59 đã kết hôn hoặc sống với bạn tình để xác định những yếu tố nguy cơ dẫn đến lừa dối. Nhìn chung, tỷ lệ gian dối cực thấp – chỉ 11% thú nhận họ “không sắc son”. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy xu hướng ngoại tình gắn liền với một số yếu tố nguy cơ đặc trưng như: là nam giới; luôn bị hình ảnh giường chiếu chi phối; qua lại với nhiều bạn tình; sống ở đô thị; chung sống lâu năm; sống với nhau không kết hôn; sống thử trước khi cưới và hôn nhân không hạnh phúc. Nghiên cứu cũng chỉ ra một vài yếu tố có thể giúp vợ chồng đề kháng nguy cơ “say nắng”. Theo đó, những người quan niệm ngoại tình là việc làm sai trái có nguy cơ “lầm đường lỡ bước” ít hơn 50% và có xu hướng có nhiều bạn bè cùng chung “chí hướng”. Việc có chung nhóm bạn với bạn đời cũng giúp giảm 30% nguy cơ gian dối.

GIA HÂN (Theo The Times)

Chia sẻ bài viết