09/04/2019 - 21:39

Hiểm họa từ quyết định liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố 

Ngày 8-4, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố, động thái chưa từng có tiền lệ này đặt ra lo ngại về các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào binh sĩ xứ cờ hoa.

Cuộc diễu binh của các thành viên IRGC. Ảnh: Sky News

Cuộc diễu binh của các thành viên IRGC. Ảnh: Sky News

Trong tuyên bố, chủ nhân Nhà Trắng mô tả IRGC là “phương tiện để chính phủ Iran điều hành và thực thi chính sách khủng bố toàn cầu”. Các quan chức Mỹ giải thích rằng quyết định của ông Trump là phản ứng trước “hành vi phá hoại” của Iran trên khắp khu vực Trung Đông, trong đó hậu thuẫn chính quyền Bashar al-Assad tại Syria, phiến quân Houthi ở Yemen và phong trào Hezbollah tại Lebanon cũng như những âm mưu ám sát ở châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho là IRGC dính líu đến hoạt động khủng bố từ khi được thành lập sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, bao gồm vụ đánh bom Tháp Khobar tại Saudi Arabia năm 1996, khiến 19 người Mỹ thiệt mạng. Riêng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng hòa bình và ổn định tại Trung Đông sẽ không thể có được trừ phi IRGC suy yếu. Quyết định về IRGC, có hiệu lực vào ngày 15-4 tới, sẽ đánh dấu lần đầu tiên Washington chính thức “gắn mác” lực lượng quân đội của một quốc gia là tổ chức khủng bố, hành động bị cho sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông.

Cùng ngày, Iran đã có những phản ứng và lên án mạnh mẽ đối với cái gọi là hành động bất hợp pháp và nguy hiểm của Mỹ. Trong thông báo, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran tuyên bố Mỹ là “nhà tài trợ khủng bố”, còn Bộ Chỉ huy Trung tâm của Quân đội Mỹ (CENTCOM) cũng như các lực lượng liên quan tại Tây Á là “các tổ chức khủng bố”. Người đứng đầu ngành Tư pháp Iran Ebrahim Raeisi sau đó nhấn mạnh quyết định của Washington về việc xếp IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố không có giá trị về mặt chính trị hay pháp lý. Hôm qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng lên tiếng bênh vực IRGC, khẳng định đây là lực lượng bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo, nhưng Mỹ lại có “ác cảm” với tổ chức này.

Mặc dù có chung nỗi lo với Tổng thống Trump về Cộng hòa Hồi giáo và IRGC, nhưng từ lâu các chỉ huy cấp cao quân đội Mỹ phản đối việc “gắn mác” khủng bố do e ngại lực lượng Mỹ tại Trung Đông có thể đối mặt với những hành động trả đũa. Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Jason Blazakis tin rằng đưa IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố được thực hiện chỉ vì những lý do chính trị nội bộ và mang tính tượng trưng nhưng có thể để lại hậu quả chết người cho binh sĩ Mỹ. Theo ông, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc IRGC Qassem Soleimani sẽ cho phép các chiến binh Hồi giáo dòng Shiite đáp trả lực lượng Mỹ tại Iraq. Mỹ hiện có khoảng 5.000 binh sĩ tại Iraq và gần 2.000 lính ở Syria. Các quan chức quốc phòng tiết lộ rằng lính Mỹ tại hai quốc gia trên thường phát hiện rằng họ đang hoạt động ở khoảng cách gần các thành viên IRGC. Thật ra, các chính quyền tiền nhiệm của ông Trump cũng từng xem xét đưa IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố quốc tế, nhưng cuối cùng nhận thấy hiểm họa đặt ra cho lính Mỹ ở hải ngoại là rất lớn. Ngoài ra, giới phân tích còn cảnh báo động thái của ông Trump có thể khiến những quốc gia đối địch với Washington áp dụng biện pháp tương tự nhằm vào các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ.

Còn về “lợi ích lý thuyết” của hành động trên, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ thuận lợi hơn đôi chút khi truy tố các cá nhân và tổ chức làm ăn với IRGC vì “hỗ trợ vật chất” cho lực lượng quân sự hùng mạnh nhất của Iran. Nhưng do IRGC có liên quan đến ngành vận tải biển và ngân hàng Iran nên việc họ bị đưa vào danh sách tổ chức khủng bố cũng có thể tạo ra rắc rối cho các đối tác của Mỹ làm ăn với Tehran, trong đó có Liên minh châu Âu.

Hiện IRGC là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran, đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị cũng như kinh tế nước này. Theo cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Pompeo- Brian Hook, IRGC kiểm soát “lên đến 50% kinh tế Iran”.

THANH BÌNH (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết