02/04/2023 - 09:30

Hàn Quốc nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh 

NGUYỆT CÁT (Theo QUARTZ, BLOOMBERG)

Nhằm cải thiện tỷ lệ sinh đang ngày càng giảm có thể khiến đất nước rơi vào thảm họa kinh tế, giới chức Hàn Quốc đang thúc đẩy nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh con.

Tỷ lệ sinh của phụ nữ Hàn Quốc thấp nhất trong số các nước phát triển.

“Vấn đề tỷ lệ sinh thấp là một chương trình nghị sự quốc gia quan trọng” - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh hôm 28-3 trong cuộc họp đầu tiên của một nhóm mới thành lập nhằm triển khai các chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh ở nước này. Ông Yoon nói rằng cần có một “tư duy bức phá” để Hàn Quốc đảo ngược tỷ lệ sinh được xếp hạng thấp nhất thế giới, đồng thời kêu gọi đưa ra các sáng kiến mới để khắc phục các chính sách dân số trước đó. 16 năm qua, nước này đã tiêu tốn hơn 200 tỉ USD nhưng không thu được kết quả gì. Tổng thống Yoon cũng đề ra một số sáng kiến của mình, như mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em, cải thiện điều kiện làm việc cho cha mẹ, cung cấp nhà ở “vừa túi tiền” và hỗ trợ tài chính cho các cặp đôi mới cưới, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Theo dữ liệu do Cơ quan thống kê Hàn Quốc công bố hồi tháng 2, số con bình quân trên mỗi phụ nữ đã giảm chỉ còn 0,78 vào năm ngoái và dân số 51 triệu người của nước này có nguy cơ giảm hơn phân nửa vào cuối thế kỷ. Năm 2021, số con bình quân trên mỗi phụ nữ ở Hàn Quốc là 0,81 - thấp nhất trong số 260 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thậm chí so với những nước nổi tiếng có tỷ lệ sinh thấp thì Hàn Quốc vẫn thua xa, chẳng hạn, số con bình quân trên mỗi phụ nữ ở Tây Ban Nha là 1,23,  Ý (1,24) và Nhật Bản (1,34). Các chuyên gia cho rằng xứ kim chi cần mất nhiều thập kỷ mới đạt được con số 2,1 - mức sinh cần thiết để duy trì dân số ổn định mà không cần đến người nhập cư.

Ðược biết, chính quyền của Tổng thống Yoon có kế hoạch tăng trợ cấp hằng tháng cho cha mẹ có con nhỏ dưới 1 tuổi từ mức 300.000 won hiện tại lên 700.000 won vào năm 2023 và 1 triệu won vào năm 2024. Nhưng do chi phí giáo dục của Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất trong các nước phát triển, nhiều người cho rằng việc chỉ hỗ trợ tiền cho các gia đình có con nhỏ là không đủ để giải quyết mọi vấn đề. Theo đó, họ kêu gọi thực hiện những thay đổi toàn diện - bao gồm giảm gánh nặng nuôi dạy con cho phụ nữ và giúp chị em dễ dàng đi làm lại sau khi nghỉ hộ sản.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là nước có thời gian làm việc kéo dài nhất trong số các nước phát triển và luôn được xếp hạng là một trong những nơi tệ nhất để phụ nữ theo đuổi cơ hội bình đẳng tại nơi làm việc. Gần đây, việc chính phủ Hàn Quốc muốn tăng thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 52 tiếng lên 69 tiếng cũng vấp phải phản đối dữ dội từ lao động trẻ tuổi và những người đã làm cha mẹ, bởi họ cho rằng việc tăng giờ làm sẽ khiến họ không có thời gian nuôi dạy con.

Trong số những đề xuất nhằm tăng tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc, có một số đề xuất cũng gây nhiều tranh cãi những ngày gần đây, như miễn trừ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với những nam giới ngoài 30 tuổi và có từ 3 con trở lên, cung cấp các khoản miễn giảm thuế như “món quà” dành cho cha mẹ tùy thuộc số lượng con mà họ có, hoặc cho phép lao động nước ngoài làm nghề giúp việc tại Hàn Quốc hưởng lương thấp hơn mức lương tối thiểu, nhằm giảm bớt gánh nặng công việc nhà cho các gia đình. Những đề xuất này thu hút nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng việc trả lương thấp hơn cho lao động giúp việc người nước ngoài chẳng khác gì là “chế độ nô lệ thời hiện đại” và việc miễn nghĩa vụ quân sự thì chỉ ưu ái đàn ông, trong khi phụ nữ mới là người cần được hỗ trợ nhiều nhất trong việc sinh con và chăm sóc gia đình.

Chia sẻ bài viết