05/06/2018 - 07:26

Giới siêu giàu “mua” quốc tịch như thế nào? 

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, các chương trình đầu tư để lấy quyền công dân (CIP) của một số quốc gia đang mang đến cơ hội sở hữu thêm quốc tịch thứ hai cho giới siêu giàu. Thậm chí, một số trường hợp còn sở hữu quốc tịch thứ ba, thứ tư.

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

SCMP cho biết khoảng hơn 20 quốc gia – trong đó có nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) - đang cho giới siêu giàu cơ hội lấy quốc tịch của họ thông qua các CIP. Tuy đặc điểm và chi phí của các CIP có khác biệt, nhưng chúng có chung một nguyên tắc. Đó là những người giàu có phải bỏ tiền đầu tư vào một tài sản hoặc doanh nghiệp, mua trái phiếu chính phủ hoặc chỉ đơn giản là quyên góp trực tiếp tiền mặt, để đổi lấy quốc tịch và hộ chiếu.

Theo SCMP, mức chi phí của một CIP thường dao động từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD. Hiện các CIP có chi phí thấp nhất nằm ở vùng Caribe, nơi nổi tiếng về việc đưa ra yêu cầu đầu tư thấp trong khi các nghĩa vụ công dân dễ thực hiện. 5 quốc gia hiện cung cấp CIP của vùng này gần đây đã “giảm giá” chương trình, nhằm thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh họ đang tìm kiếm nguồn tài chính tái thiết đất nước sau các cơn bão hồi năm ngoái.

Trong khi đó, CIP của một số nước thành viên EU có giá rất cao bởi nó cho phép người mang hộ chiếu tự do đi tới 150 -170 quốc gia. Đơn cử, chương trình “bán” quốc tịch của Malta đòi hỏi một cá nhân phải đóng góp 675.000 euro vào quỹ phát triển quốc gia và mua tài sản trị giá 350.000 euro. Còn để lấy được quyền công dân tại Síp, người nước ngoài phải đầu tư 2 triệu euro vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu chính phủ hoặc doanh nghiệp nước này.

Mặc dù đang tăng trưởng theo cấp số nhân, nhưng các CIP cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ. Chẳng hạn như việc CIP của Malta bị lên án là làm suy yếu khái niệm về quyền công dân EU, tạo ra những rủi ro an ninh, trong khi cung cấp con đường tiềm năng cho các cá nhân giàu có mang theo các dòng thu nhập không rõ ràng, hòng tránh các biện pháp trừng phạt tại nước họ. Một số CIP khác đã bị điều tra vì cáo buộc lừa đảo.

Trong khi đó, các nhà đấu tranh vì quyền bình đẳng đang tranh luận về vấn đề đạo đức xung quanh việc tự động trao quyền công dân cho những người có thu nhập cực cao trong khi những người ít đặc quyền hơn phải chờ tới lượt được cấp quyền công dân.

NG. CÁT

Chia sẻ bài viết