10/08/2020 - 06:01

Giàu - nghèo ở Ấn Độ thời đại dịch 

Ấn Độ hiện được xem là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới và đại dịch COVID-19 đang góp phần tô đậm thêm sự phân hóa giàu nghèo tại đây.

COVID-19 “ngăn cách” giàu - nghèo

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe người dân tại một khu ổ chuột ở Mumbai. Ảnh: Guardian

Đối với Anisa Agarwal, COVID-19 quả thật là một cú sốc khi cô phải tự nấu ăn, dọn dẹp và mua sắm thực phẩm. Agarwal kết hôn với một ông chủ lò gạch giàu có, sống xa hoa ở khu vực Công viên Gulmohar ở thủ đô New Delhi. Nhà cô lúc nào cũng đông đúc người ra vào, nào là đầu bếp, người giúp việc, tài xế. Khi dịch bệnh xảy ra, cô không cho phép bất kỳ ai trong số họ lui tới nhà mình trong vòng 4 tháng. “Họ sống trong những căn phòng chật chội nên tôi không tin là họ không nhiễm bệnh. Tôi biết họ luôn cố gắng cẩn thận nhưng trong điều kiện sống như vậy quả thật là họ không thể bảo vệ được mình. Giãn cách xã hội hoặc rửa tay thường xuyên cũng không có tác dụng gì” - Agarwal nhận định.

Khi Ấn Độ nới lỏng lệnh phong tỏa, Agarwal được một số người bạn khuyên gọi ít nhất một tài xế quay lại giúp việc để cuộc sống cô “dễ thở” hơn. Song, cô thẳng thừng từ chối, cho rằng việc ở gần với một người sống chung phòng với 6 người khác có thể khiến cô gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. “Bạn thấy đấy, tôi đã đúng. Bạn không thể bảo vệ bản thân trước dịch bệnh khi bạn dùng chung nhà vệ sinh với 50 hộ gia đình” - Agarwal biện minh khi nói về một cuộc thăm dò tại Mumbai. Theo đó, cuộc thăm dò cho thấy hơn phân nửa người sống tại các khu ổ chuột tại thành phố sầm suất này bị nhiễm virus Corona, so với 16% cư dân nằm ngoài các khu ổ chuột. 

Agarwal chỉ là trường hợp điển hình về sự phân hóa giàu nghèo tại Ấn Độ. Giống như hầu hết người dân quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và giàu có, Agarwal chưa từng nghĩ nhiều về các khu ổ chuột - những nơi bị cho là bẩn thỉu, ẩm ướt, tối tăm mà những người giúp việc, công nhân nhà máy, thợ sửa ống nước, thợ điện và nhân viên bảo vệ trú ngụ khi không làm việc cho những người giàu có. Trước nay, người ta nghĩ rằng bất cứ căn bệnh nào phổ biến đều không thể thâm nhập vào các cộng đồng dân cư được kiểm soát, các chung cư cao tầng hoặc các tòa nhà cao cấp. Song, COVID-19 là một trường hợp cá biệt, nó không chừa một ai, đặc biệt là khi rất nhiều trong số những người ở các khu ổ chuột đến làm việc trong những ngôi nhà, văn phòng và cửa hàng giàu có.

Có tiền mua tiên

Từ hàng thập niên qua, Ấn Độ hoàn toàn bỏ quên chính sách nhà ở cho người nghèo đô thị và hậu quả là giờ đây nó tác động đến tầng lớp giàu có hơn. Sự bùng phát của dịch bệnh cho thấy các khu ổ chuột là môi trường thuận lợi cho sự lây lan của virus khi có điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước, ánh sáng, đặc biệt là tình trạng sử dụng nhà vệ chung. Không gian chật hẹp tại đây đã khiến chính sách giãn cách xã hội của Ấn Độ không thể phát huy tác dụng. Số liệu thống kê mới đây cho thấy có đến 100 triệu người trong số hơn 1,3 tỉ dân Ấn Độ sống tại các khu ổ chuột.

Tuy nhiên, khi những người giàu bị nhiễm bệnh, họ được chào đón, có thể mua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, trong khi những người nghèo thì ngược lại. Đơn cử như trường hợp của Amitabh Bachchan. Khi siêu sao Bollywood này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, ông đã ngay lập tức được đưa tới một đơn vị cách ly tại Bệnh viện Nanavati hàng đầu ở Mumbai dù chỉ có các triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, trên khắp Ấn Độ, nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng đã bị từ chối điều trị ở các bệnh viện công vì thiếu giường bệnh, nhân viên và thiết bị y tế.

Trong giai đoạn 2006-2016, có hơn 270 triệu người Ấn Độ thoát khỏi đói nghèo, nhưng nước này vẫn là một trong những nơi có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất thế giới. Tổ chức nhân đạo Oxfam mới đây cho biết, những người giàu nhất Ấn Độ chiếm khoảng 10% dân số và nắm giữ 77% tài sản quốc gia.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, CNN)

Chia sẻ bài viết