Trên sân khấu chính trị Mỹ, việc chính quyền của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa công kích hay bác bỏ đường lối của nhau là chuyện không hiếm. Nhưng dư luận không khỏi chú ý khi nội các của Tổng thống Barack Obama gần đây liên tục “chê” chính sách của người tiền nhiệm George Bush đối với Mỹ La-tinh, nơi Washington xem là “sân sau” của mình. Ngoại trưởng Hillary Clinton cuối tuần rồi nói rằng chính sách cô lập các nước do cánh tả cầm quyền ở Mỹ La-tinh đã thất bại và gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ ở đây. Mấy ngày trước đó, cựu đệ nhất phu nhân này cũng thừa nhận các biện pháp bao vây cấm vận chống Cuba kéo dài gần 5 thập niên qua, đặc biệt được siết chặt dưới thời ông Bush, đã phá sản.
Theo bà Hillary, nỗ lực của Tổng thống Bush nhằm cô lập các nhà lãnh đạo cánh tả ở Mỹ La-tinh chẳng những không mang lại kết quả mà còn khiến cho họ phản ứng bằng cách quay sang bắt tay với các cường quốc khác bên ngoài khu vực. Bà nói: “Tôi không nghĩ trong thế giới ngày nay, chúng ta được lợi gì khi quay lưng với các nước nằm cùng bán cầu”. Bà mô tả thế giới hiện nay là “đa cực”, và Mỹ phải cạnh tranh với những quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran ngay tại “sân sau” của mình. Bà thừa nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của các nước này ở Mỹ La-tinh khiến Mỹ “khó chịu”.
Riêng trong chính sách đối với La Havana, theo bà Hillary, Washington đang đơn độc. “Chúng ta đối diện với gần như một mặt trận thống nhất chống lại Mỹ về vấn đề Cuba. Mọi quốc gia, ngay cả những đồng minh thân cận nhất, đều bảo rằng: Bạn phải thay đổi. Bạn không thể tiếp tục làm thế”, bà Hillary tiết lộ.
Với quyết tâm “lấy lại những gì đã mất”, Tổng thống Obama thời gian qua đã có những động thái nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ La-tinh. Đó là “cái bắt tay lịch sử” với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Trinidad&Tobago, là việc dỡ bỏ mọi hạn chế trong việc về thăm quê hương và gởi tiền cho thân nhân của người Mỹ gốc Cuba, là cam kết tăng gấp đôi viện trợ lương thực và nông nghiệp cho các nước nghèo (trong đó có nhiều quốc gia Mỹ La-tinh) lên 1 tỉ USD/năm. Kết quả bước đầu là Washington và Caracas đã nhất trí bổ nhiệm lại các đại sứ, bị hai bên trục xuất khi căng thẳng trong quan hệ song phương lên tới đỉnh điểm hồi tháng 9 năm ngoái; trong khi mở ra khả năng đối thoại chính thức giữa Mỹ và Cuba về nhiều vấn đề. Mỹ cũng đang tìm cách tiếp cận mới với những nhà lãnh đạo cánh tả khác như Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, Tổng thống Ecuador Rafael Correa và Tổng thống Bolivia Evo Morales.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hillary tỏ ra thận trọng khi nói rằng bà không chắc chiến lược mới đối với Mỹ La-tinh sẽ có tác dụng, có thể giúp Washington lấy lại “sân sau”đã mất hay không?!
LÊ DÂN