20/12/2018 - 08:53

Giải bài toán liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long 

Ngày 19/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Sứ quán Australia tổ chức Hội thảo “Tăng cường Liên kết Vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, liên kết và điều phối vùng hiệu quả là nền tảng có tính quyết định đối với sự phát triển hài hòa và bền vững của vùng. Liên kết và điều phối vùng sẽ giúp giải quyết các xung đột trong phát triển.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Cùng với đó, việc liên kết tránh được sự chồng chéo và thiếu hụt trong quy hoạch và thực hiện, đảm bảo hài hòa các lợi ích cả ngắn hạn và lâu dài, cục bộ và toàn diện, trong bối cảnh phát triển và biến đổi khí hậu có nhiều bất ổn. 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đề nghị cần tập trung xem xét một cách thấu đáo, toàn diện tình hình triển khai quy chế liên kết thí điểm phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ khi được ban hành, từ đó đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp, mô hình liên kết mang tính lâu dài, có tính thực tiễn cao để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng ngày càng tốt hơn với các khó khăn thách thức hiện tại.
ĐBSCL là vùng cực nam của Việt Nam, gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh, chiếm 12% diện tích và hơn 19% dân số cả nước. Sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã gắn với biển và nguồn nước sông Mekong. Với trên 700 km bờ biển và hệ thống sông ngòi chằng chịt, ĐBSCL chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng chảy sông Mekong và thủy triều vào sâu nội đồng. Điều này đã tạo nên sự gắn kết tự nhiên của toàn vùng về nguồn nước và trong quá trình phát triển của các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, khu vực này đang bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản cũng như sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội môi trường trong vùng.
Những hậu quả đã hiện hữu như hạn hán, xâm nhập mặn, xâm thực bờ biển diễn ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt chưa từng có ở các tỉnh ĐBCSL. Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, gây ra tình trạng lũ về ít và muộn ở đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là cấu tạo địa chất sụt lún khoảng 2 cm/năm do tự nhiên và do khai thác nước ngầm quá mức.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

 Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, kết quả liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm còn hạn chế. Các hoạt động chủ yếu dừng ở mức ký kết văn bản, kế hoạch. “Cần thành lập Hội đồng điều phối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thủy sản của vùng”, ông Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian qua, các địa phương vùng cũng luôn thể hiện nhu cầu và mong muốn tiến hành các hoạt động liên kết. Do đó, ĐBSCL đã trở thành vùng đầu tiên và duy nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước được áp dụng Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. 

Phân tích cụ thể hơn về những nội dung cần triển khai, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ cho biết, Quyết định 593 cũng đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện liên kết. Một điểm đặc biệt của Quy chế thí điểm theo Quyết định 593 là quy định về mức vốn hỗ trợ tối thiểu từ ngân sách Trung ương là 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án liên kết trong vùng. 

“Đây được đánh giá là một bước đột phá về cơ chế tài chính, tạo động lực khuyến khích liên kết giữa các tỉnh và liên kết vùng”, ông Trần Duy Đông nói. Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ: Rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định số 593 trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thủy sản của Vùng.

Đại diện đối tác quốc tế, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, phát triển vùng ĐBSCL đang ở ngã rẽ quan trọng. Để đảm bảo sự phát triển khu vực này diễn ra đúng theo định hướng Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đề ra, Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cần chọn các giải pháp thực hiện hiệu quả. 

Sự phối kết hợp chặt chẽ trong vùng là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 120 – cần phải đảm bảo một cách tiếp cận tích hợp liên vùng khi đưa các kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư, chia sẻ thông tin nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững ở đồng bằng.

Đại diện WB nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng khi Trung ương và các địa phương đang chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chu kỳ 5-10 năm, nhất thiết phải đưa được vào kế hoạch tổng thể nội hàm hợp tác khu vực với những bước đi và hành động cụ thể.

Còn ông Justin Baguley, Tham tán phụ trách Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ở ĐBSCL đòi hỏi phải có một cơ chế phối hợp liên vùng mạnh mẽ giữa tất cả các tỉnh và bộ, ngành liên quan, qua đó sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài chính và tài nguyên sẵn có. 

Dưới góc độ chuyên gia, ông Tanya Huizer cho rằng, việc liên kết vùng cần tổ chức phương pháp theo chủ đề và quá trình tương tác, các bên liên quan tham gia từ đầu để đơn giản hóa việc ra quyết định về sau. Bên cạnh đó, lên kế hoạch các cuộc họp thường xuyên để đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan tham gia đều có cùng mục tiêu, kế hoạch và các khoản đầu tư.  “Cần xây dựng Luật cho khu vực này, Luật sẽ là cơ sở pháp lý, các ban chỉ đạo cấp khu vực để đảm bảo tính nhất quán và tích hợp của phương pháp tiếp cận”, ông Tanya Huizer nói.  

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết