26/10/2012 - 14:04

FSA lo ngại bóng dáng al-Qaeda trong cuộc nội chiến tại Syrie

Sự xuất hiện của các tay súng Hồi giáo nước ngoài đã làm cho cuộc nội chiến ở Syrie trên khốc liệt hơn. Ảnh: AFP

Trong bài viết đăng tải hôm 25-10, hãng tin Mỹ AP nêu rõ sự "góp sức" của các chiến binh Hồi giáo nước ngoài trong cuộc chiến nhằm lật đổ Chính phủ Tổng thống Syrie Bashar al-Assad đang khiến lực lượng nổi dậy gia tăng mối lo ngại về khả năng mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda thừa dịp "phát huy" ảnh hưởng trong cuộc nội chiến kéo dài gần 19 tháng qua ở Syrie.

Theo AP, nhóm Thánh chiến Hồi giáo Jabhat al-Nusra được xem là trường hợp điển hình. Jabhat al-Nusra là tập hợp các chiến binh đến từ nhiều quốc gia bao gồm Libye, Tunisie, Ai Cập, Arabie Séoudite, Iraq, khu vực Balkan cùng một số quốc gia khác và được cho là có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Mặc dù không xác định rõ, nhưng giới quan chức Mỹ và Iraq đồng loạt tin rằng các thành viên al-Qaeda phân nhánh tại Iraq đã vượt qua biên giới để tham gia cuộc chiến chống lại chế độ Tổng thống al-Assad.

Theo nhận định của các quan chức phương Tây, al-Nusra là nhóm hoạt động "tích cực" nhất với nhiều vụ đánh bom tự sát nhằm vào quân đội, lực lượng an ninh và các cơ sở quân sự của Chính phủ Syrie. Tuy nhiên, lực lượng nổi dậy tại Syrie sau đó nhấn mạnh rằng lực lượng này không cho phép sử dụng "chiến thuật" đánh bom tự sát, cũng như cố gắng tách biệt mối quan hệ của cả hai bên vì lo ngại cuộc nổi dậy của họ sẽ bị "mang tiếng" bởi al-Qaeda.

Mặc dù tồn tại nhiều nghi ngại, nhưng lực lượng nổi dậy ở Syrie thừa nhận việc al-Nusra trang bị bổ sung hàng trăm máy bay chiến đấu trong trận chiến kéo dài 3 tháng qua đã giúp quân nổi dậy kiểm soát thành phố Aleppo. Trong một tuyên bố đăng tải trên Internet hôm 24-10, Jabhat al-Nusra đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn trong 4 ngày diễn ra lễ hội Eid Al-Adha linh thiêng của người Hồi giáo. Jabhat al-Nusra gọi thỏa thuận trên là một "trò bẩn thỉu" và tỏ thái độ không tin tưởng phía chính phủ sẽ tuân thủ đề xuất trên. Một số nhà lãnh đạo thuộc lực lượng nổi dậy cũng đã bày tỏ thái độ hoài nghi về một kết cục thất bại tương tự như thỏa thuận ngừng bắn do cựu đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên đoàn A-rập (AL) về Syrie Kofi Annan đề ra trước đây.

Tuy là nói vậy, nhưng một số thành viên phe nổi dậy cũng bày tỏ lo lắng rằng sự hiện diện của các tay súng Hồi giáo nước ngoài ở Syrie sẽ tạo cơ hội để quân đội chính phủ khẳng định rằng cuộc nổi dậy là một "âm mưu của thế lực bên ngoài" dưới sự chỉ đạo của các phần tử khủng bố. Một nhân vật chính trị cao cấp thuộc Quân đội Syrie Tự do (FSA) – lực lượng vũ trang của phe nổi dậy, nói trong điều kiện giấu tên: "Tôi đánh giá cao động cơ của họ đến với cuộc chiến tại Syrie. Chúng ta không thể phủ nhận quyền tổ chức thánh chiến của người Hồi giáo, nhưng chúng tôi lại muốn họ rời khỏi Syrie".

Trong khi đó, các nhà ngoại giao châu Âu (EU) cũng đang thật sự lo lắng trước nguy cơ chiến sự ngày một căng thẳng tại Syrie có khả năng lan sang các quốc gia láng giềng, đặc biệt sau vụ tướng tình báo Liban Wissam al-Hassan bị ám sát và một binh sĩ Jordanie thiệt mạng trong cuộc giao tranh cuối tuần qua liên quan đến nội chiến tại Syrie. Theo lời một quan chức EU, "hiệu ứng domino" có thể xảy ra trên toàn khu vực, làm bất ổn dây chuyền khi Liban đang dần bị kéo vào cuộc bạo lực ở Syrie và khả năng Iraq là "nạn nhân" tiếp theo.

VI VI (Theo AP, Irish Times)

Chia sẻ bài viết