20/06/2012 - 22:08

Eurozone trong tâm bão tài chính

Đức chấp thuận giải pháp mua nợ

Ảnh: AP

Báo The Guardian ngày 20-6 cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh) đã chấp thuận việc để quỹ cứu trợ tài chính trị giá 750 tỉ euro của Khu vực đồng euro (Eurozone) mua trái phiếu chính phủ của các thành viên đang lâm nguy trong cơn bão tài chính. Đây được xem là một nỗ lực đáng kể nhằm giảm bớt chi phí vay mượn cho Tây Ban Nha và Ý cũng như ngăn chặn sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung.

Bấy lâu nay, Đức luôn phản đối việc cho phép Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) cho các nước đang gặp khó vay trực tiếp do lo ngại Berlin sẽ phải gánh nợ và những nước được lợi trong chuyện này sẽ tránh được những điều kiện khắc nghiệt từng áp dụng với Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Tuy nhiên, trước sự hối thúc của các lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) và áp lực ngày càng tăng khi thị trường tài chính đẩy chi phí vay nợ của Tây Ban Nha lên mức mà giới phân tích cho là “không thể chịu đựng nổi”, Thủ tướng Merkel buộc phải nhượng bộ.

Trước đó, bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định cho Tây Ban Nha vay 100 tỉ euro để tái cấp vốn cho các ngân hàng yếu ớt, thị trường tài chính vẫn phản ứng một cách tiêu cực. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này bị các cơ sở cho vay quốc tế đẩy lên mức 7% - mức nguy hiểm đã từng buộc Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland phải cầu viện. Không chỉ vậy, ngày 19-6, Madrid còn bị buộc phải trả mức lãi cao kỷ lục 5,07% cho khoản vay 2,4 tỉ euro kỳ hạn 1 năm, khiến các nhà phân tích nhận định Tây Ban Nha đang bên bờ vực cần được cứu trợ tài chính.

Các nhà phân tích xem quyết định chính thức của giới lãnh đạo Eurozone về giải pháp mua nợ của các nước đang khó khăn là bước đi đầu tiên hướng tới việc san sẻ gánh nặng nợ công của các thành viên trong Eurozone nhằm ngăn chặn nguy cơ xóa sổ đồng euro. Theo họ, ESM có quyền mua trái phiếu chính phủ của các nước nếu tất cả các thành viên chấp thuận và nước được mua nợ cũng đồng ý với các điều kiện đặt ra. Đây sẽ là lần đầu tiên các quỹ cứu trợ châu Âu, gồm 500 tỉ euro của EFSF và 250 tỉ euro của Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7, được dùng để mua nợ trực tiếp của các chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính.

Đề xuất về gói giải pháp mua nợ được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại thành phố Los Cabos (Mexico), với trọng tâm là kiềm chế tác động của cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone đối với nền kinh tế thế giới. Mặc dù không bình luận gì về quyết định của Đức, song một quan chức cấp cao của Berlin nói: “Đức và các nước khác ở châu Âu hiểu rõ mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng và những thách thức kèm theo, và họ biết họ sẽ phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề”. Các quan chức G-20 tin rằng thông báo chính thức về gói giải pháp mua nợ này sẽ được giới lãnh đạo Eurozone công bố trong vài ngày tới.

THANH TRÚC
(Theo Guardian, Reuters, MarketWatch)

Chia sẻ bài viết