16/11/2020 - 12:00

Đồng hành cùng người thất nghiệp 

Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo mời gọi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tham gia đào tạo nghề (ĐTN) cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, tăng cường hiệu quả phối hợp cũng như cộng đồng trách nhiệm, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Các đại biểu tập trung thảo luận và góp ý tại hội thảo mời gọi các cơ sở GDNN tham gia ĐTN cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Các đại biểu tập trung thảo luận và góp ý tại hội thảo mời gọi các cơ sở GDNN tham gia ĐTN cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đảm trách thực hiện chính sách ĐTN cho người thất nghiệp, Trung tâm DVVL thành phố đang phối hợp 10 cơ sở GDNN tổ chức đào tạo 50 nghề, nổi bật như: pha chế thức uống, nấu ăn, làm bánh, thợ phụ tóc... Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2019 đến 9 tháng năm 2020, toàn thành phố có 19.393 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, có 1.884 người được hỗ trợ học nghề. Số người được hỗ trợ học nghề năm 2020 là 1.121 người tăng so với cùng kỳ năm 2019, do mở rộng ngành nghề đào tạo, người thất nghiệp có thể chọn nghề học phù hợp. Tuy nhiên, người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm trên 10,3% tổng số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua khảo sát, bên cạnh một số lý do như: không có nhu cầu được hỗ trợ học nghề; không sắp xếp thời gian theo khóa học…, người lao động chưa tìm được ngành nghề phù hợp; cơ sở GDNN ở xa, không thuận tiện đi lại.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL thành phố, thời gian qua, Trung tâm phối hợp khá tốt với các cơ sở GDNN trong tiếp nhận và thông tin về các khóa học nghề, ngày khai giảng, theo dõi, kiểm tra tình hình học nghề của người thất nghiệp. Trung tâm chú trọng phối hợp tổ chức tập huấn, tư vấn kỹ năng về việc làm, khởi nghiệp để bổ sung kiến thức cần thiết, phục vụ người thất nghiệp trong quá trình tìm việc làm hoặc khởi nghiệp. Cùng với thường xuyên tiếp nhận hồ sơ, thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, Trung tâm quan tâm quảng bá hoạt động ĐTN cho người thất nghiệp bằng nhiều hình thức, như: định kỳ tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép tư vấn học nghề dành cho người thất nghiệp; giới thiệu ngành nghề, đơn vị đào tạo trên hệ thống mạng của Trung tâm (Fanpage, Facebook, Zalo)…

Tại hội thảo, các đại biểu xác định sự cần thiết tham gia ĐTN giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, vừa đảm bảo chức năng cơ sở GDNN, vừa thể hiện trách nhiệm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Bà Kiều Thị Kiều Thanh, Phó Trưởng Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết: “Thời gian qua, đơn vị chức năng phối hợp các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tổ chức khá hiệu quả việc ĐTN cho người lao động mất việc làm có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, với nhiều ngành nghề, đảm bảo kỹ năng tay nghề. Tuy nhiên, hoạt động này còn một số khó khăn, như: người thất nghiệp ngại học nghề và thay đổi ngành nghề, công việc; chưa nhận thức đầy đủ lợi ích lâu dài của học nghề nên thường bỏ dở chương trình học…”. Theo đại diện Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, thời gian qua, trường tổ chức ĐTN kế toán doanh nghiệp nhưng một số người thất nghiệp theo học thời gian ngắn rồi nghỉ ngang, gây khó khăn trong phối hợp thực hiện trách nhiệm xã hội. Đại diện Trường Trung cấp Quốc tế Mekong “than”, không tuyển được học viên diện bảo hiểm thất nghiệp, dù trường đào tạo đa dạng ngành nghề theo nhu cầu xã hội như: làm đẹp, chăm sóc da, phun, xăm thẩm mỹ, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu... Trong khi đại diện Trung tâm Công nghệ phần mềm Trường Đại học Cần Thơ đề nghị, các cơ sở GDNN được tham gia hoạt động tư vấn học nghề, việc làm tập trung của Trung tâm để thu hút người thất nghiệp chọn học nghề tại đơn vị, thì theo cơ sở GDNN Nam Việt, cần có cơ chế ràng buộc giữa cơ sở GDNN với học viên, hạn chế tình trạng người lao động đăng ký rồi bỏ học với lý do không chính đáng…

Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Vân tiếp thu và tán đồng các góp ý của đại biểu về tăng cường truyền thông dạy và học nghề; phối hợp các cơ sở GDNN đẩy mạnh tư vấn học nghề gắn với giới thiệu việc làm cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, các cơ sở GDNN cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể, thiết thực, góp phần nâng chất lượng và hiệu quả ĐTN cho người thất nghiệp. Thời gian tới, các cơ sở GDNN nắm vững và thực hiện đúng các quy định về tổ chức hoạt động ĐTN cũng như thanh quyết toán kinh phí học nghề; quan tâm hơn nữa việc người thất nghiệp tham gia học nghề để tiếp tục đồng hành với Trung tâm DVVL thành phố ĐTN cho người lao động theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, mời gọi các cơ sở GDNN xa trung tâm thành phố tham gia ĐTN, tạo điều kiện để người thất nghiệp tại địa bàn học nghề theo nhu cầu. Trung tâm tăng cường phối hợp các cơ sở GDNN tổ chức tư vấn, tập huấn kỹ năng tìm việc, khởi sự kinh doanh, giúp người thất nghiệp nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Qua đó, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội thành phố.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết