01/06/2008 - 22:22

"Đội công lý màu hồng"

“Thủ lĩnh” Sampat Pal Devi cùng “Đội công lý màu hồng”. Ảnh: Daily Mail

Năm lên 9, Sampat Pal Devi phải rời ghế nhà trường sau khi bị gia đình ép gả cho ông anh rể vừa góa vợ. Bốn năm sau, Devi sinh con đầu lòng. Với cô bé, đó là sự tổn thương to lớn của thời thơ ấu. Từ nỗi đắng cay đó, Devi mày mò tự học cả ngày lẫn đêm với mong muốn sẽ thuyết phục người khác, mà trước hết là chồng mình, hiểu ý nghĩa của hai chữ “công lý”. Chị kiếm sống bằng nghề bán chè trên một con đường làng thuộc huyện Bundelkhand, một trong những khu vực nghèo khổ nhất của bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Tại đây, lần đầu tiên chị vận động được chị em cả khu xóm biểu dương lực lượng bằng cách yêu cầu nam giới không được ly dị vợ nếu không có lý do chính đáng và hợp pháp. Bởi theo quan niệm của chị (lúc ấy chỉ mới 27 tuổi), vợ chồng như hai bánh xe không thể tách rời nhau. Qua lần đó, Devi dần dà nhận được sự tin tưởng của nhiều chị em bị bạn đời đối xử thô bạo.

Năm 2006, người phụ nữ 47 tuổi này quyết định lập “đội công lý màu hồng” hoạt động theo tinh thần của nữ hoàng Rani Laxmibai - người từng đứng ra lập quân đội riêng để đương đầu với thực dân Anh hồi năm 1858. Trước 200 thành viên mặc toàn trang phục màu hồng đến từ nhiều làng của huyện Bundelkhand, Devi tuyên bố tôn chỉ của “đội công lý màu hồng” là sẵn sàng can thiệp để bảo vệ phái yếu trước những hành xử không đúng mực của phái nam, bao gồm cả một số quan chức và lực lượng an ninh địa phương.

Thực tế, tại Bundelkhand, các em gái không được đối xử bình đẳng, nhiều phụ nữ bị buộc phá thai khi biết đứa bé trong bụng mình là gái. Hệ quả là huyện này thiếu hụt phụ nữ nghiêm trọng, với tỷ lệ 825 nữ/1.000 nam. Mặt khác, các em gái hiếm khi được cắp sách đến trường nên gần 3/4 phụ nữ ở huyện bị mù chữ. Bên cạnh bảo vệ quyền bình đẳng giới, “đội công lý màu hồng” của Devi còn đứng ra thương lượng để ngân hàng giảm hoặc giãn nợ cho những chị em nông dân gặp mùa màng thất bát liên tục.

Sự phát triển của “đội công lý màu hồng” bước đầu mang lại thay đổi về thái độ cư xử trong quan hệ vợ chồng cũng như giữa dân chúng và chính quyền huyện Bundelkhand. Một lão nông khi quan sát cuộc họp của các thành viên mặc áo hồng bày tỏ: “Ấn Độ đã thoát khỏi chủ nghĩa đô hộ của thực dân Anh và hiện đang cần những chị em áo hồng để loại bỏ nạn tham nhũng”.

Tiếng lành đồn xa. Devi được bà Sonia Gandhi, Chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền, mời lên thăm Thủ đô New Delhi và được đề nghị gia nhập đảng này. Tuy nhiên, chị từ chối với lý do muốn toàn tâm với sự nghiệp bảo vệ phụ nữ. Thủ lĩnh Devi cho biết không chỉ Bundelkhand mà khắp Ấn Độ vẫn còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ. Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2007 xếp Ấn Độ đứng thứ 114 trong danh sách 128 quốc gia và vùng lãnh thổ còn tình trạng bất bình đẳng giới tính. Được biết, tỷ lệ phụ nữ Ấn tham gia vào đời sống kinh tế đứng thứ 122 trên thế giới; chỉ 48% phụ nữ biết đọc biết viết; 3% cán bộ lãnh đạo là nữ; 40% phụ nữ là nạn nhân bạo hành gia đình vì “tội” không có của hồi môn trong ngày xuất giá...

PHÚC NGUYÊN (Theo Le Monde)

Chia sẻ bài viết